Cần khắc phục tình trạng chuyển đơn khiếu nại, tố cáo lòng vòng, vượt cấp

18/09/2014

Phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa 13 tiếp tục tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014 vào sáng 18/9, tại TP.HCM.

Đây cũng là phiên bế mạc của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa 13 sau 4 ngày làm việc.

Ủy ban Pháp luật tán thành với báo cáo đánh giá của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo trong năm qua. Theo đó, công tác tiếp công dân tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đặc biệt từ sau khi Luật tiếp công dân có hiệu lực thi hành. Các Bộ, ngành địa phương ngày càng quan tâm hơn, gắn việc tiếp công dân với xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo. Tỷ lệ vụ việc được giải quyết đạt tương đối cao với gần 85%. Đáng chú ý là đẩy mạnh công tác rà soát, xử lý, giải quyết đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là số đơn thư khiếu nại, tố cáo các địa phương tiếp nhận giảm, nhưng ở các Bộ, ngành lại tăng, nhất là số lượt đoàn khiếu nại tố cáo tăng đến 12%. Các đại biểu cũng nhìn nhận nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua là do cơ chế, chính sách còn bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai.

Trong quá trình đi giám sát, ông Hà Công Long - Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội nhìn nhận: “Các địa phương có ý kiến về điều luật cấm ủy quyền, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không được phép ủy quyền. Nhưng trên thực tế, có rất ít người có thẩm quyền trực tiếp đối thoại với công dân. Trong khi thông tư của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn người được giao thẩm quyền đi xác minh, trực tiếp đối thoại trước rồi mới trình lại người có thẩm quyền. Đây là một vướng mắc mà nhiều địa phương kiến nghị tháo gỡ”.

Ngoài ra, tình trạng thiếu công khai, minh bạch, không tôn trọng ý kiến, lợi ích chính đáng của người dân khi xử lý các mối quan hệ giữa Nhà nước - công dân - doanh nghiệp trong thực thi chính sách về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc, dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Ngoài bất cập về cơ chế, chính sách, thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là do năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong công tác quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cũng như trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… Đây là những nguyên nhân không mới, nhưng tồn tại nhiều năm, chậm khắc phục.

“Có những vụ việc người ta quy định nếu cấp dưới chưa giải quyết thì thủ trưởng cấp trên phải giải quyết và xử lý cấp dưới. Tuy nhiên, tình trạng chuyển đơn lòng vòng rất nhiều. Cấp dưới giải quyết rồi, không đồng ý nên chuyển lên cấp trên, thậm chí rất nhiều đơn quá hạn cấp trên lại chuyển xuống cấp dưới. Giải quyết đơn thư như thế là không ổn”, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh nêu thực trạng.

Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về thực trạng khiếu nại tố cáo đông người, kéo dài từ nhiều năm, nhất là các vụ việc bức xúc, tồn đọng nhằm hạn chế các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ rà soát, xem xét, chấn chỉnh bộ máy và cán bộ công chức làm công tác này. Tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương nghiêm túc xử lý giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do đại biểu Quốc hội và cơ quan của Quốc hội chuyển đến. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực tồn tại nhiều khiếu nại tố cáo; Tổ chức giám sát một số vụ việc nổi cộm, bức xúc mà xã hội quan tâm; Kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền để xảy ra khiếu nại, tố cáo do sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của cơ quan, cán bộ do mình quản lý.

Đối với các vụ việc khiếu nại tố cáo phát sinh do sai sót của cơ quan chức năng, đề nghị cần khẩn trương giải quyết cho người dân. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm minh đối với cán bộ sai phạm.

Phiên làm việc ngày 18/9 cũng là phiên bế mạc của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa 13.

Kết luận tại Phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa 13 thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014, ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Một số ý kiến của các đại biểu đã đánh giá khá đúng trong báo cáo Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật được đề cập. Chúng tôi sẽ ghi nhận những thẩm tra, đánh giá và sẽ cố gắng tham mưu cho Chính phủ làm tốt hơn lĩnh vực này. Những gì còn tồn tại, chắc chắn chúng ta sẽ đổi mới và đổi mới toàn diện ở rất nhiều lĩnh vực”.

(Theo VOH)