Thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Với 86,35 % số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Như vậy, Luật này gồm 9 Chương, 55 điều, quy định rõ nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú là tuân thủ quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, gồm cản trở người nước ngoài và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tự đặt ra thủ tục, giấy tờ, lệ phí trái với quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan; sách nhiễu, gây phiền hà trong việc làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, tẩy, xóa, sửa chữa nội dung giấy tờ có giá trị nhậ p cảnh, xuất cảnh, cư trú để người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Bổ sung cán bộ không chuyên trách cấp xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Qua thảo luận, đa số ý kiến tán với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân và trách nhiệm của Nhà nước.
Tuy nhiên việc sửa đổi Luật cần quan tâm đến hai mục tiêu quan trọng là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và đảm bảo an toàn, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý.
Thảo luận về việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên tạo điều kiện để người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện đang hưởng phụ cấp theo công việc được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong đó một bộ phận có quá trình làm việc tương đối lâu dài tại cơ sở, với chính sách liên thông giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tạo điều kiện để nhóm này có thể tham gia liên tục, đảm bảo an sinh khi không còn tuổi lao động.
Tuy nhiên, trừ những người đang hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để họ gắn bó, tâm huyết với công việc hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay chiếm một số lượng lớn bộ máy địa phương, trong đó nhiều người gắn bó lâu năm, nhưng khi nghỉ hưu lại không có chế độ hưu trí.
Do đó, việc bổ sung đối tượng này tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết và đáp ứng nguyện vọng của đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã hiện nay.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) góp ý việc bổ sung cán bộ bán chuyên trách cấp xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là phù hợp với thực tế và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.
Tăng thẩm quyền cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thanh tra
Góp ý bổ sung thẩm quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng), cho rằng hiện nay tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng với số tiền nợ rất lớn, cần phải có giải pháp mạnh hơn để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Với bộ máy thanh tra hiện nay, ngành lao động-thương binh và xã hội không đủ điều kiện để đảm bảo công tác thanh tra, xử phạt vi phạm, khởi kiện đối với doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, cần tăng thẩm quyền cho cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Quang Cường đề nghị sửa khoản 3 Điều 21, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau: "Cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm về Luật đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Vì thực tế những năm gần đây cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao, vi phạm chưa được xử lý kịp thời."
Đại biểu cũng cho rằng, từ khi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2007, nhưng đến nay, mặc dù thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có rất nhiều cố gắng nhưng do lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng, nên tình trạng vi phạm Luật bảo hiểm xã hội như nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ngày một gia tăng.
Nhằm tăng cường mối quan hệ quyền lực và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) đồng tình cao việc bổ sung thẩm quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội theo cơ chế ủy quyền của Chính phủ. Theo đó cần quy định rõ các chế tài về xử lý hành chính, xử lý hình sự, khởi kiện doanh nghiệp ra tòa về hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng trên cơ sở được giao nhiệm vụ, cơ quan soạn thảo đã căn cứ Nghị quyết số 15 của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về vấn đề an sinh xã hội và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác an sinh.
Vì vậy, với nguyên tắc làm sao nhiều người được tham gia đóng bảo hiểm xã hội để khi về già, nhiều đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội trong lúc ngân sách nhà nước chưa hỗ trợ được, Ban soạn thảo đã chuẩn bị theo lộ trình đóng hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành.
Giải thích về tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tính trên nguyên tắc đảm bảo ổn định và trách nhiệm lâu dài đối với quỹ bảo hiểm xã hội thì có dự kiến phương án như lộ trình trong dự thảo.
Còn việc đưa nội dung này vào thực hiện khoản 3, Điều 187, Bộ Luật lao động thì hiện nay điều này đã được Chính phủ hướng dẫn bằng Nghị định 71 - là đối với những người có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao thì được kéo dài tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ.
Chính phủ cũng chuẩn bị xây dựng là đối với những người lao động là nữ tham gia lãnh đạo quản lý thì cũng đề nghị kéo dài. Nhưng do đặc thù tình hình hiện nay, trước mắt Bộ Chính trị cho ý kiến tiếp tục nghiên cứu đồng bộ cả nam và nữ. Vì vậy, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và tiếp tục nghiên cứu.
Đối với vấn đề người lao động dưới ba tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền lý giải vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp đã lách luật, ký hợp đồng với người lao động ba tháng rồi lại thôi. Vì vậy, người lao động rất thiệt.
Do đó, việc mở rộng đối tượng này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp cũng không thể lách luật được.
Mặt khác, theo nghị quyết của Trung ương phấn đấu đến năm 2020, 50% người lao động được tham gia bảo hiểm, nếu không mở rộng đối tượng này thì khó hoàn thành. Vì vậy, phải mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc với lao động hợp đồng dưới ba tháng...
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã góp ý vào một số nội dung khác như điều kiện hưởng lương hưu; điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng; tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc...
Sáng 17/6, Quốc hội làm việc ở hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; thảo luận về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi)./.