Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012

09/06/2014

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, sáng 7/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Vào đầu phiên làm việc, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Mặc dù từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế chịu tác động của suy thoái kinh tế, một số năm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đã ảnh hưởng đến người dân trong đó có người nghèo, song thành tựu về giảm nghèo VN vẫn được khẳng định qua kết quả của các chỉ tiêu kinh tế xã hội được cộng đồng quốc tế đánh giá, ghi nhận trên tất cả các khía cạnh, tiêu chí. Công tác xóa đói giảm nghèo đã bước sang giai đoạn mới, chuyển từ diện rộng trên phạm vi cả nước sang tập trung ở một số vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, trong một số nhóm dân cư, chính sách giảm nghèo được hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo và chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, giai đoạn 2005-2012, tỉ lệ nghèo đã giảm nhanh trên cả nước và ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, do hậu quả của thiên tai, bão lũ, tỉ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo chiếm khoảng 25-30% so với hộ thoát nghèo (trung bình cứ ba hộ thoát nghèo có một hộ tái nghèo, phát sinh nghèo). Tỉ lệ hộ thoát nghèo chuyển sang cận nghèo còn cao do mức chuẩn nghèo còn thấp, không được cập nhật theo hàng năm, không phản ánh hết bản chất của người nghèo.

Bên cạnh đó, dù tỉ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng ở nhiều nơi tỉ lệ nghèo vẫn trên 50%, cá biệt có nơi còn 60-70%; hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước.

Về kết quả tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo trong thời gian qua, bà Trương Thị Mai cho biết:

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại đó là tỷ lệ nghèo giữa các vùng miền còn khoảng cách khá lớn, tỷ lệ nghèo cao trong đồng bào dân tộc thiểu số, đây là khó khăn thách thức trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều đồng tình và đánh giá cao báo cáo kết quả giảm sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm giúp người nghèo giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

Cổng Thông tin