Góp ý cho dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), hầu hết các ý kiến tán thành với quy định tăng cường hoạt động của hải quan trên các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Biển Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan, phù hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phù hợp với thực tiễn quản lý về hải quan. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của lực lượng hải quan trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động xuất, nhập khẩu; phòng, chống tội phạm ma túy, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền tương xứng với nhiệm vụ của lực lượng hải quan trong tình hình khó khăn, phức tạp của việc phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng như tình hình gia tăng loại tội phạm này, đồng thời để bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngoài ra, cần làm rõ vai trò của người đứng đầu cơ quan hải quan khi để xảy ra vi phạm cũng như quy định cụ thể nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ hải quan; quy chế về khiếu nại tố cáo của các tổ chức, cá nhân đối với cán bộ hải quan.
Một số ý kiến đề nghị, dự thảo luật cần quy định cụ thể thời hạn làm thủ tục hải quan, theo đó, bộ phận hải quan trực 24/24 giờ trong ngày và cả ngày nghỉ, ngày lễ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cần trao quyền bắt, khám xét, tạm giữ để các hải quan hoàn thành nhiệm vụ cũng sẽ khiến các lực lượng khác đỡ vất vả hơn và nếu được thông qua sẽ góp phần cho hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ. Bên cạnh việc trao thêm thẩm quyền, các ý kiến cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan hải quan, cán bộ hải quan trong việc để xảy ra tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.