Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện xây dựng luật, pháp lệnh
Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2014 của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, đặc biệt là việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được tăng cường.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng việc lập, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều hạn chế.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nhận định năm nào Quốc hội cũng điều chỉnh về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Số dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều.
Tán đồng với ý kiến trên, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) bổ sung tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục. Hiện nay còn nhiều luật đã có hiệu lực thi hành, nhưng nghị định, thông tư hướng dẫn chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành, lại phải chờ đến khi sửa đổi, bổ sung.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Dương) đánh giá, tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn thiếu các đánh giá, biện pháp thực hiện chương trình như việc thay đổi cơ chế xây dựng pháp luật; việc tuân thủ chương trình; trách nhiệm của các cơ quan thực hiện xây dựng luật, pháp lệnh.
Để giải quyết tình trạng trên, các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận), Lê Đình Khanh (Hải Dương) kiến nghị Nghị quyết của Quốc hội về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 cần quy định chế tài xử lý trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị trong việc chậm xây dựng dự án luật, pháp lệnh theo chương trình Quốc hội đã đề ra.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khả thi của Chương trình năm 2015, tránh bị điều chỉnh quá nhiều, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ quan điểm, căn cứ lập dự kiến Chương trình để xác định thứ tự ưu tiên; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cùng với việc bảo đảm các điều kiện cần thiết cũng như bố trí thời gian phù hợp để Quốc hội xem xét, thông qua.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 cần ưu tiên các dự án triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy Nhà nước, các dự án quy định về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Từ thực tế vừa qua, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) đề nghị trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 cần có Luật Biểu tình nhằm thể chế hóa Hiến pháp và có căn cứ pháp lý để tổ chức việc biểu tình, cũng như xử lý các hành vi vi phạm.
Xác định trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không dân dụng
Tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng; tạo ra môi trường cạnh tranh; xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Đối với quy định về "Nhà chức trách hàng không," đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhận định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có văn bản xác định là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là “Nhà chức trách hàng không." Tuy nhiên, Quyết định số 94/2009/QĐ-TTg ngày 16/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ xác định "Nhà chức trách hàng không" của Việt Nam là Cục Hàng không Việt Nam. Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu để có sự thống nhất về quy định này.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đặt vấn đề quy định của dự án luật nêu rõ "Nhà chức trách hàng không" là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nhưng Cục Hàng không Việt Nam - đơn vị đang quản lý lĩnh vực hàng không dân dụng cũng thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Nếu luật có hiệu lực thi hành, trách nhiệm của Cục quản lý hàng không Việt Nam còn được thực thi không, khi nhà chức trách hàng không ra đời? Đại biểu cho rằng khái niệm "Nhà chức trách hàng không" chỉ mang tính chung chung vì vậy cần giao trách nhiệm quản lý lĩnh vực hàng không dân dụng cho Cục hàng không Việt Nam quản lý để nội luật hóa các công ước quốc tế, tránh có thêm một cơ quan quản lý mới.
Xung quanh quy định về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng cần giao cho Bộ Tài chính quản lý nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng và giá các dịch vụ hàng không một cách hợp lý, tránh để các đơn vị hàng không độc quyền trong vấn đề này.
Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) khẳng định cơ quan quản lý Nhà nước về giá dịch vụ hàng không phải là Bộ Tài chính, không nên giao cho Bộ Giao thông Vận tải nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.../.