Theo chương trình Kỳ họp, ngày mai, 20-5, Quốc hội Khóa XIII khai mạc trọng thể kỳ họp thứ bảy tại Thủ đô Hà Nội.
Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.
Trước khi về dự kỳ họp lần này, các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội; các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận các văn bản và dự kiến chương trình của kỳ họp.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, QH Khóa XIII được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 19-5 công bố chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: Dự kiến tổng thời gian làm việc là 28 ngày với phần lớn thời gian dành cho công tác xây dựng luật. Theo đó, Quốc hội dành 21 ngày- chiếm 75% tổng thời gian kỳ họp để xem xét, thông qua 11 dự án luật, ba Nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật.
Các Nghị quyết được trình Quốc hội xem xét thông qua gồm: Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và nghị định thư Cape Town).
Quốc hội dành 2,5 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với một số Bộ trưởng liên quan những nội dung mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. 11 buổi làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp.