Luật người cao tuổi thể hiện đạo lý kính già của người Việt Nam

07/06/2009

Hầu hết các ĐBQH phát biểu ở hội trường chiều 5-6, đều nhất trí việc ban hành Luật người cao tuổi là phù hợp với văn hóa và đạo lý của người Việt Nam, đồng thời đánh giá cao công tác xây dựng dự luật này.

Đề cao vai trò gia đình, khẳng định trách nhiệm Nhà nước

ĐBQH Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng người cao tuổi dù là ai thì vẫn chủ yếu sống với gia đình. Vì thế gia đình vẫn phải là nền tảng, là chỗ dựa đầu tiên và quan trọng nhất là của người cao tuổi. Theo đại biểu này: “phải lấy nền tảng gia đình để làm chỗ dựa, là điểm tựa để chúng ta thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi”. Đại biểu Trường yêu cầu phải đưa trách nhiệm của gia đình vào luật.

Đồng tình quân điểm này, ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) yêu cầu Luật này phải quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của những người trong gia đình, dòng họ về việc chăm sóc, phụng dưỡng đối với người cao tuổi, thủ tục ủy nhiệm người chăm sóc, phụng dưỡng nếu những người thân do ở xa hoặc do những điều kiện khác không trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng được người cao tuổi, để vừa phát huy được tình cảm tốt đẹp, đồng thời cũng tránh được những rắc rối pháp lý có thể xảy ra.

Về quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỵ (Bình Định) cho rằng quy định như trong dự thảo là hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trong trường hợp cần thiết. Đại biểu này đề nghị cần khẳng định trách nhiệm cụ thể của Nhà nước về việc dành ngân sách cho công tác chăm sóc người cao tuổi.

Người già được cấp thẻ ưu tiên

Theo ĐBQH Trần Tiến Cảnh (Hà Nam), nên bổ sung một nội dung "Nhà nước thống nhất việc cấp thẻ cho người cao tuổi". Bởi Thẻ người cao tuổi là một giấy tờ rất thuận tiện gọn gàng khi người cao tuổi đi bệnh viện, đi tàu, đi xe, đến những nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, các nơi khác. Người cao tuổi khi làm trợ cấp xã hội cũng như hưởng các quyền lợi khác có thẻ không rườm rà như các giấy tờ khác.

Về chăm sóc người cao tuổi trong sử dụng công trình công cộng và tham gia giao thông công cộng, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) hiến kế, nên bổ sung một khoản quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu kinh doanh các phương tiện trợ giúp người cao tuổi khi tham gia giao thông. Bà Khánh cho biết, ở nhiều nước phát triển người cao tuổi có sự thuận lợi nhờ các phương tiện chuyên dụng.

Thế nào là bình đẳng nam - nữ?

Nhiều đại biểu đồng ý với Dự thảo quy định công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi, không phân biệt nam nữ. Tuy nhiên nhiều đại biểu nữ không đồng tình với quy định này, trong khi nhiều đại biểu nam lại cho rằng đây là một tiến bộ thể hiện tính bình đẳng.

Theo Báo cáo của Trung ương Hội người cao tuổi, người cao tuổi ở Việt Nam sống đa phần ở nông thôn đến 73% trên tổng số. Song đối tượng đang hưởng lương hưu chỉ chiếm 21% và 23% người cao tuổi thuộc diện nghèo trong tổng số 8 triệu người cao tuổi thì phụ nữ chiếm 64%. 

ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỵ (Bình Định) cho rằng, phụ nữ hiện nay về hưu sớm hơn nam giới là 5 tuổi và ở độ tuổi là 55, nhiều phụ nữ vẫn phải gánh vác trách nhiệm đóng góp phần lớn kinh tế cho gia đình, chăm lo cho con học hành, trang trải cuộc sống hằng ngày cũng như đau ốm. Họ rất cần được hưởng những chính sách ưu đãi để thưc hiện tốt hơn vai trò của mình. Bà Thuỵ nói: “Nếu quy định công nhận là người cao tuổi cho cả nam và nữ là như nhau, như vậy là không công bằng. Ngay khi có sự thay đổi về tuổi lao động, tôi vẫn đề nghị cần phải quy định theo hướng phụ nữ nên thấp hơn nam giới 5 tuổi”.

Bà Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tán thành với việc xác định người cao tuổi là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Nhưng đề nghị Quốc hội cho ý kiến để sửa đổi bổ sung Bộ luật lao động, Luật cán bộ, công chức đối với quy định độ tuổi nghỉ hưu của nữ cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động khác để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời tránh để khoảng trống đối với phụ nữ phải 5 năm sau tuổi nghỉ hưu mới được coi là người cao tuổi.

Hội người cao tuổi nên là tổ chức chính trị xã hội?

ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) phát biểu, là một dự luật được nâng lên từ pháp lệnh và những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Một luật đã cụ thể hóa và hiện thực hơn những điều trước đây mang tính tuyên ngôn, tuyên bố về chính trị. Do đó, ông Minh cho rằng, việc công nhận là Tổ chức chính trị xã hội thì đó là món ăn tinh thần vô giá đối với các cụ hiện nay, và bày tỏ sự đồng tình rất cao để Quốc hội cho ý kiến và nhanh chóng thông qua tại kỳ họp tới. 

ĐBQH Lê Dũng (Tiền Giang) cũng cho rằng, Hội người cao tuổi được công nhân là tổ chức chính trị xã hội, không phải là một vấn đề về kinh phí cho Hội mà là vinh dự và niềm tự hào của hội viên Hội người cao tuổi, đồng thời hệ thống chính trị của chúng ta có thêm một lực lượng chính trị tích cực. Ông Dũng nói: “Việc công nhận này sẽ là sự động viên mạnh mẽ với người cao tuổi, với Hội người cao tuổi, sẽ tạo ra hiệu quả rất lớn không chỉ trong cuộc sống của khu dân cư mà cả trong các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc”.

 

 

Xuân Bách

(http://www.nhandan.com.vn/)