Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Cơ yếu

04/06/2009

(VOV) - Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung quản lý hoạt động, quản lý Nhà nước về công tác cơ yếu; chính sách cụ thể đối với những người làm công tác cơ yếu không phải là lực lượng vũ trang…

Chiều nngày 3-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Cơ yếu.

 

Đội cơ yếu của Công an TP.HCM (ảnh PCCC, HCMC)

Dự thảo Luật Cơ yếu gồm 5 chương, 38 điều, quy định về hoạt động cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức của Cơ yếu Việt Nam và chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cơ yếu.

 

Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung quản lý hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước; vấn đề quản lý Nhà nước về công tác cơ yếu và mô hình tổ chức của cơ yếu Việt Nam từ Trung ương xuống cơ sở; Chính sách cụ thể đối với những người làm công tác cơ yếu không phải là lực lượng vũ trang…

 

Nên qui định rõ cơ quan quản lý Nhà nước và phạm vi điều chỉnh

 

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Hiện nay, Luật An ninh quốc gia và Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước hiện hành giao Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, nay giao thêm Bộ Nội vụ thực hiện quản lý Nhà nước về cơ yếu cũng thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, như vậy là có sự chồng chéo. Vì thế đề nghị chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về một trong hai bộ là Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cho phù hợp tính chất hoạt động cơ mật, đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Cũng có ý kiến đề nghị nên để Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ cho phù hợp quy định tại Ðiều 5, Ðiều 19, khoản 1 Ðiều 21 của dự thảo luật.

 

Theo đại biểu Đào Trọng Thi (đoàn Hà Nội), chức năng quản lý Bộ, ngành liên quan đến bảo mật thông tin, nên cân nhắc giao cho Bộ Công an, nếu giao cho đơn vị khác có thể gây ra sự chồng lấn. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Căn (đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ quan cơ yếu trực thuộc Chính phủ phù hợp hơn và sẽ do Bộ Công an quản lý.

 

Còn đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Nam Định) thì cho rằng, hiện nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng đều có bộ phận cơ yếu. Vì thế không nên để cơ quan quản lý Nhà nước về cơ yếu là một trong số các cơ quan này (Bộ quản lý Bộ) mà nên để Bộ Nội vụ quản lý cơ yếu. Khi gặp một số vấn đề cụ thể thuộc về chuyên môn thì Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ giải quyết.

 

Về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ yếu Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu một số ý kiến cho rằng, 13 nhiệm vụ, quyền hạn của cơ yếu Việt Nam được quy định tại Ðiều 20 chưa phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn nào là nhiệm vụ, quyền hạn chung của lực lượng cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn nào là nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về cơ yếu, cơ quan quản lý chuyên ngành về cơ yếu...

 

Các đại biểu cũng cho rằng, Luật này chỉ tập trung vào những bí mật, những vấn đề an ninh quốc gia, còn bí mật dân sự thì sẽ do luật khác điều chỉnh.

 

Chính sách cho người làm cơ yếu

 

Theo một số đại biểu, người làm cơ yếu thuộc ngành nào thì hưởng chế độ, chính sách theo ngành ấy chứ không hưởng theo chính sách của công an, quân đội. Thế nhưng, đại biểu Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) cho rằng, trên 70% những người làm cơ yếu là thuộc công an và quân đội. Trong một môi trường làm việc, lao động tương tự nhau thì không cần thiết phải phân chia chế độ ra thành nhiều loại.

 

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Nam Định) cho rằng, lương chính của những người làm cơ yếu thì cao nhưng công việc của họ rất vất vả. Nhiều chị phụ nữ đã lớn tuổi mà không xây dựng gia đình được vì không có điều kiện tiếp xúc với nhiều người, cơ chế ràng buộc trong ngành rất lớn, nhiều khi tìm được người bạn đời phù hợp nhưng lý lịch lại không tương thích nên phải hy sinh việc riêng.

 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (đoàn Hà Nội), dự thảo luật cũng cần quy định rõ, có chế tài chặt chẽ hơn về việc xử lý những người làm cơ yếu vi phạm, làm lộ thông tin bí mật quốc gia.

 

Theo các đại biểu Quốc hội, việc ban hành Luật Cơ yếu là cần thiết, sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng ngành cơ yếu chính quy, hiện đại, vững mạnh về mọi mặt, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ mới do Ðảng và Nhà nước giao.

 

Ngày mai (4/6), Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2010./.

 

 

 

Vũ Hạnh – Bích Lan

(http://vovnews.vn)