Sửa luật nhưng phải có lợi nhất cho quốc gia và nhân dân

02/06/2009

Trong phiên làm việc toàn thể tại Hội trường sáng qua, tất cả 24 ĐBQH có cơ hội phát biểu đều tán thành với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để bảo đảm sự tương thích với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Song các ĐBQH cũng nhấn mạnh rằng, sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình nhưng có tầm quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Sửa Luật Sở hữu trí tuệ phải có lợi nhất cho lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chủ yếu nhập khẩu về sở hữu trí tuệ.

 

ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu): Tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

 

Về thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Điều 119, tôi đề nghị Ban Soạn thảo cần cân nhắc thêm, nên giữ thời gian như luật hiện hành; chỉ kéo dài thêm thời gian xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trong các trường hợp thực sự cần thiết như: có yếu tố nước ngoài, hoặc sáng chế thuộc công nghệ cao thì có thể kéo đến 18 tháng. Nếu quy định như trong dự thảo Luật này là bước thụt lùi trong cải cách hành chính, kéo dài thời gian nhiều hơn so với luật hiện hành không đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của chủ sở hữu khi mong muốn sớm được đưa bảo hộ những phát minh, sáng chế của mình vào ứng dụng ở trong thực tiễn. Cơ quan quản lý, liên quan đến lĩnh vực này thì cho rằng do công việc quá tải nên việc kéo dài thêm thời gian là cần thiết. Theo tôi, luật cũng cần phân cấp cho địa phương có đủ năng lực để được chia sẻ trách nhiệm với Trung ương; đồng thời tạo điều kiện để xã hội hóa chức năng giám định sở hữu trí tuệ thì sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực xử lý đơn sở hữu trí tuệ ở Trung ương như hiện nay.

 

Về vai trò quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ, để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Cần khẳng định ngay trong luật là cơ quan Nhà nước không làm chức năng giám định sở hữu trí tuệ; từng bước tạo điều kiện xã hội hóa hoạt động này, tiến tới thành lập tổ chức sự nghiệp độc lập để thực hiện giám định sở hữu trí tuệ.

 

ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP Hồ Chí Minh): Các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ phải có tính chuyên gia cao

 

Sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực mới đối với đất nước chúng ta. Nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quá trình hội nhập. Việc thực thi nghiêm túc sở hữu trí tuệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo, phát triển và thông qua đó sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của cả đất nước. Nhưng ngược lại, nếu máy móc, cứng nhắc, thiếu sự am hiểu cần thiết thì có thể sẽ là sự kìm hãm, làm chậm sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với những đất nước còn nghèo như chúng ta. Việc tổ chức thực thi sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả- đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải có tính chuyên gia cao trong lĩnh vực liên quan, thường xuyên được cập nhật thông tin và kiến thức, phải am hiểu lĩnh vực đó. Hai hay ba Bộ cũng khó có thể đảm đương hết được việc thực thi sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả. Cụ thể, một số doanh nghiệp phần mềm phản ánh việc thực thi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, báo chí, xuất bản hay phát thanh truyền hình...chưa rõ ràng. Thời gian qua, đối với một số doanh nghiệp có một lúc cả hai Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đến thanh tra về vấn đề phần mềm. Sở hữu trí tuệ đối với lĩnh vực này hết sức rộng lớn và phức tạp, đòi hỏi tính chuyên gia sâu. Nếu trong dự thảo Luật này không làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý Nhà nước này thì sẽ dẫn đến: Một là, tính chuyên gia trong lĩnh vực không cao để đảm bảo cho việc thực thi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nói trên; Hai là lãng phí về nguồn lực Nhà nước; Ba là chồng chéo trong quản lý và gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp; Thứ tư là, phát triển thông tin truyền thông có liên quan rất mật thiết đến sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin và truyền thông là một chiến lược mũi nhọn phát triển của đất nước và cần thiết phải giao cho một đầu mối quản lý để tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp non trẻ này của đất nước.

 

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Chúng ta có hăng hái quá không?

 

Có những điều sửa đổi trong dự án Luật này - quy định vượt quá cam kết quốc tế. Phương hướng được xác định trong các văn bản là cần sửa đổi một số quy định để làm cho pháp luật Việt Nam phù hợp với yêu cầu, hoặc tương thích với chuẩn mực quốc tế hơn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo chỉ kiến nghị sửa đổi một số quy định hiện hành của Việt Nam được đánh giá là đang ở dưới mức cần thiết, thấp hơn chuẩn mực quốc tế. Còn vấn đề ngược lại thì hầu như chưa được quan tâm. Đó là các trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam đang ở mức độ cao hơn rất nhiều so với chuẩn mực hoặc đòi hỏi của các điều ước quốc tế. Tất nhiên, về nguyên tắc, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng các chuẩn mực cao hơn mà không vi phạm nghĩa vụ quốc tế, vì các điều ước quốc tế chỉ quy định chuẩn mực tối thiểu. Nhưng làm như vậy có thể gây cho chúng ta những khó khăn, bất lợi về nhiều mặt ngay cả khi chúng ta có khả năng thực hiện đầy đủ các quy định đó.

 

Tôi xin nói thêm rằng chúng ta là nước nhập khẩu trí tuệ, không phải nước xuất khẩu trí tuệ. Cho nên những việc sửa lần này làm sao có lợi nhất cho lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân. Ví dụ, về bản sao điện tử tạm thời ở Khoản 10, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm, hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử. Với quy định này thì độc quyền sao chép theo Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ được mở rộng,  để cho phép hoặc ngăn cấm việc tiếp cận với tác phẩm dưới dạng bản sao chưa định hình bằng đối tượng vật chất cụ thể. Như vậy người tra cứu hoặc tìm kiếm thông tin trên Internet có thể bị coi là xâm phạm quyền tác giả, dù không làm một bản sao cố định nào về tác phẩm. Quy định này vượt quá chuẩn mực quốc tế theo Điều 9 Công ước BERNE, Điều 9 Hiệp định TRIPS, Điều 3 Công ước ROMA ...

 

Một so sánh: Đối với việc ghi hình, điều ước quốc tế không coi bản ghi hình là đối tượng được bảo hộ, Công ước Rome không bảo hộ, Hiệp định TRIPS không bảo hộ, BTA không bảo hộ, mình thì bảo hộ 50 năm. Tương tự như vậy, đối với tín hiệu vệ tinh, điều ước quốc tế không quy định bảo hộ, thì mình cũng quy định bảo hộ là 50 năm. Những điểm này có phải chúng ta hăng hái quá không?

 

 

Nguyễn Vũ

(http://nguoidaibieu.com.vn)