Khai mạc Hội nghị Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

10/03/2009

Hội nghị làm việc trong 3 ngày (9-12/3), tập trung thảo luận, cho ý kiến về 7 Dự án Luật chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới

Chiều 9/3 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hội nghị làm việc trong 3 ngày, từ nay đến hết ngày 12/3, tập trung thảo luận, cho ý kiến về 7 Dự án Luật chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, gồm: Luật quản lý nợ công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, Luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Dự án Luật nhà ở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.

Hội nghị lần này là một trong những đổi mới của Quốc hội về hoạt động lập pháp, nhằm rút ngắn thời gian họp Quốc hội, nhưng vẫn đảm bảo xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, có tính khả thi cao. Dưới sự chủ trì của 2 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Nguyễn Đức Kiên, chiều 9/3, các đại biểu Quốc hội chuyên trách khối Trung ương thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý nợ công. Đây là Dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiên tại kỳ họp thứ 4 tháng 11 năm 2008 và còn nhiều ý kiến khác, cần tiếp tục thảo luận để điều chỉnh trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Hầu hết các ý kiến tập trung vào những vấn đề lớn của Dự án luật, như phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định, phê duyệt các công cụ quản lý nợ công, việc phân công thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nợ công, nguyên tắc ký các thỏa thuận khung về vay vốn nước ngoài… Theo ý kiến của nhiều đại biểu: Dự luật cần quy định cụ thể về khái niệm tài sản quốc gia, các khoản nợ quốc gia, công cụ quản lý Nhà nước về nợ công. Hiện nay, Dự án luật mới nói đến khoản nợ công, chứ chưa đề cập căn cứ pháp lý về nợ công và chưa quy định những vấn đề liên quan đến trả nợ.

Thảo luận về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định, phê duyệt các công cụ quản lý nợ công, nhiều ý kiến cho rằng, dự án Luật chưa thể hiện hết, cần bổ sung thêm một số điều giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh các khoản nợ vay, nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong công tác điều hành.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội chuyên trách khối Trung ương và cho biết sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh Dự án Luật Quản lý nợ công trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sắp tới./.

 

Mai – Nhung

(http://vovnews.vn/)