Đoàn giám sát đã nghe Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình thực thi chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ năm 2004- 2008. Trong đó nêu rõ, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thực hiện tương đối tốt. Các tổ chức quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm, đặc biệt là hệ thống thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung ương và tuyến tỉnh, hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung ương và khu vực đã được thành lập... Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm tương đối đầy đủ, nhưng việc đưa các quy định này vào thực tế sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chậm trễ và thiếu kiên quyết. Việc phân công đầu mối quản lý Nhà nước về chất lượng thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các văn bản pháp luật chưa thống nhất. Do đó, mỗi cơ quan chỉ nhận trách nhiệm về phạm vi quản lý Nhà nước được giao mà chưa có cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước trong tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng thực phẩm. Công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra, thanh tra về an toàn thực phẩm còn hạn chế...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên ghi nhận những cố gắng của các Bộ, ngành trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phó chủ tịch chỉ rõ, trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có hiện tượng tương đối phổ biến là một số cơ quan liên quan coi việc ban hành được văn bản pháp quy là xong, chưa chú trọng đến khâu triển khai thực hiện, dẫn tới nhiều quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu dừng ở trên giấy. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm, lo lắng, bức xúc của nhân dân. Hiện nay, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực an toàn thực phẩm còn hạn chế. Nhưng, trong tình hình ngân sách hạn hẹp, nhu cầu chi đầu tư ở các lĩnh vực, trong đó có vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều, các Bộ, ngành cần nghiên cứu, tính toán để sử dụng hiệu quả nhất nguồn kinh phí dành cho lĩnh vực quan trọng và có tầm ảnh hưởng rộng lớn này.
Hiện nay, Việt Nam đã bước đầu đã xây dựng được hệ thống pháp luật cho công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hài hòa với khu vực và thế giới. Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành năm 2003 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh tổng thể các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.