Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa kiều bào ta ở nước ngoài với quê hương, đất nước

28/02/2009

Tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ QH, chiều qua 26-2, các thành viên Ủy ban đã nghe Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày dự thảo Tờ trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Ðiều 121 Luật Ðất đai.

Ðiều 126 Luật Nhà ở quy định hai trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cụ thể là:

"1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép  về  sống  ổn  định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện quy định tại khoản 1 Ðiều này mà đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, quy định về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nêu tại Ðiều 126 của Luật Nhà ở đã xuất hiện những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Thí dụ, theo quy định tại khoản 1 Ðiều 126, các đối tượng là nhà khoa học, nhà văn hóa nếu trở về Việt Nam hoạt động thường xuyên thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, mặc dù có nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa trở về Việt Nam làm việc trong các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học của Việt Nam và mong muốn được mua nhà ở tại Việt Nam để ổn định chỗ ở, nhưng vì lý do công tác mà họ không thể về nước thường xuyên nên không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trên thực tế, để có nhà ở tại Việt Nam, nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhờ người thân, bạn bè mua và đứng tên hộ quyền sở hữu nhà ở hoặc mua bán trao tay, không làm các thủ tục sang tên theo quy định nên vừa ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước từ các giao dịch nhà ở, vừa là nguyên nhân làm phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở giữa các bên.

Ngoài ra, do Ðiều 126 của Luật Nhà ở và Ðiều 121 của Luật Ðất đai năm 2003 có sự giống nhau về quy định đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nên khi sửa đổi Ðiều 126 của Luật Nhà ở thì cũng đồng thời phải sửa đổi, bổ sung Ðiều 121 của Luật Ðất đai để bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản luật.

Như vậy, việc trình QH sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 của Luật Nhà ở và Ðiều 121 của Luật Ðất đai để phù hợp với chủ trương của Ðảng, bảo đảm sự thống nhất về pháp luật, sự hài hòa và hợp lý về quyền được sở hữu nhà ở giữa người Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài là hết sức cần thiết.

Thường trực Ủy ban kinh tế của QH cho rằng, để tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa kiều bào ta ở nước ngoài với quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích các nhà đầu tư, các nhà khoa học, những người có tài năng... về đóng góp cho đất nước, thì việc sửa đổi Ðiều 126 Luật Nhà ở là hết sức cần thiết. Ðây cũng là nguyện vọng thiết tha của đông đảo kiều bào, đã được đề đạt với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước và nhiều cơ quan hữu quan của Việt Nam.

Về nội dung, Chính phủ đề xuất Ðiều 126 của Luật Nhà ở được sửa đổi, bổ sung theo hướng phân rõ thành ba loại đối tượng như sau:

Ðối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam (vẫn là công dân Việt Nam) mà trở về Việt Nam sinh sống, làm việc thì cần có chính sách đối xử công bằng về quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước, nên cho phép họ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà không hạn chế về số lượng.

Ðối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam theo quy định tại khoản 4 Ðiều 3 của Luật Quốc tịch năm 2008 (bao gồm: người đã từng có quốc tịch Việt Nam và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài) mà thuộc các đối tượng: về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học; người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước thì cũng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như công dân Việt Nam ở trong nước.

Ðối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam không thuộc đối tượng thứ hai nêu trên, nếu về Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực thì được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ tại Việt Nam.

Chính phủ đề nghị trong Luật sửa đổi lần này cần sửa đổi, bổ sung Ðiều 121 của Luật Ðất đai như sau: Những người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được sở hữu nhà ở theo quy định tại Luật này thì có các quyền và nghĩa vụ về sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở như công dân Việt Nam ở trong nước theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Ðất đai.

Các ý kiến thảo luận đã tập trung vào sự cần thiết sửa đổi, bổ sung hai điều luật nói trên và đề nghị làm rõ các khái niệm: Nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu. Trong trường hợp nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, nhưng họ không đáp ứng nhu cầu của ta thì có được mua nhà ở Việt Nam hay không? Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ "cơ quan có thẩm quyền" trong cụm từ: "được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và đang tạm trú hợp pháp tại Việt Nam".

 

(http://www.nhandan.com.vn/)