Phát biểu của CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại phiên toàn thể Diễn đàn Nghị viện châu Á –Thái Bình Dương lần thứ 17

14/01/2009

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các quý Bà, quý Ông,

Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi tới Ngài Chủ tịch và các quý vị đại biểu, các vị khách tham dự Diễn đàn nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 17 lời chào nồng nhiệt nhất. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Quốc hội và nhân dân nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về lòng mến khách, sự đón tiếp trọng thị và chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị hết sức quan trọng này của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chúng ta.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Diễn đàn APPF lần này sẽ là dịp để những nhà lập pháp khu vực chúng ta nhìn nhận và đánh giá những tiến bộ đã đạt được, cũng như những thách thức cần phải nỗ lực vượt qua trong thời gian tới nhằm tiếp tục đưa Châu Á – Thái Bình Dương trở thành một trung tâm phát triển kinh tế vì hòa bình và ổn định của thế giới trong thế kỷ 21.

Có thể nói trong suốt 20 năm qua các nước trong khu vực chúng ta đã hợp tác bên nhau đẩy mạnh phát triển kinh tế trong ngôi nhà chung - khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tê châu Á - Thái bình dương (APEC). Chúng ta cùng tự hào nhận thấy rằng APEC đến nay đã trở thành một diễn đàn khu vực hàng đầu, đóng góp khoảng 60% GDP, 50% thương mại, 70% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khu vực chúng ta và thế giới nói chung đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến suy thoái kinh tế. Đó là sự mất ổn định chính trị, xã hội và xung đột ở một số khu vực, mà điểm nóng hiện nay là cuộc xung đột ở Trung Đông ; thêm vào đó là sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố và của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác như an ninh thông tin, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm, an ninh môi trường. Nhìn thẳng vào những thách thức đó, chúng ta cần phải bàn thảo nghiêm túc để có những hành động hợp tác và những biện pháp phối hợp tổng thể trên mọi mặt chính trị -an ninh, kinh tế-thương mại, hợp tác liên nghị viện và tăng cường hiệu quả của diễn đàn APPF hỗ trợ Diễn đàn kinh tế APEC.

Tính đa dạng về trình độ phát triển, về hệ thống chính trị, văn hóa và tôn giáo của các nền kinh tế APEC một mặt là những thách thức do sự khác biệt đáng kể về lợi ích và quan tâm của các nền kinh tế trong một số lĩnh vực hợp tác, mặt khác cũng là lý do gắn kết sự hợp tác của chúng ta.

Trong năm 2008, Châu Á – Thái bình dương vẫn tiếp tục được khẳng định là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới cùng những nỗ lực hướng tới ổn định chính trị, hội nhập và hòa hợp, song chúng ta cũng đồng thời phải đối mặt với những khó khăn vô cùng nặng nề. Khu vực chúng ta thực sự bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi những biến động về tài chính và kinh tế thế giới với sự khởi đầu của giá dầu tăng cao, thị trường tài chính Mỹ khủng hoảng. Suy thoái kinh tế với mức độ nghiêm trọng và thiệt hại của nó còn có thể lớn hơn cuộc "Đại khủng hoảng" của những thập niên đầu thế kỷ 20. Hệ lụy của nó có thể là hàng loạt những cuộc khủng hoảng như khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng an ninh, và kèm theo đó là những bất ổn chính trị . Đó là chưa nói đến những biến động khó lường của thảm họa thiên tai khốc liệt như đã xảy ra tại một loạt các quốc gia thành viên APPF.

Những thập kỷ gần đây, thế giới đặc biệt quan tâm trước hiện tượng lượng khí thải tăng lên quá mức làm nhiệt độ trái đất nóng dần lên với tốc độ chưa từng có. Biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, các hiện tượng lụt lội, hạn hán, đe dọa cuộc sống của toàn thể nhân loại và mọi sự sống trên hành tinh chúng ta. Các nước đang phát triển và chậm phát triển trên thế giới và nhất là tại châu Á và các quốc đảo nhỏ Thái Bình Dương đã và sẽ bị động tiêu cực lớn nhất do sự ấm lên trên toàn cầu.

Thưa các quý vị,

Chúng ta đã bước vào năm 2009 với những triển vọng thuận lợi và những thách thức to lớn đan xen. Trật tự thế giới vẫn tiếp tục chuyển động theo hướng đa cực hóa, an ninh của các khu vực có thể có những diễn biến tích cực hơn như tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran có thể giảm nhiệt. Chúng ta tin tưởng rằng kinh tế thế giới sẽ vượt qua được khủng hoảng để tiếp tục phát triển mặc dù phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực nhất định từ các yếu tố an ninh.

Tại diễn đàn này các nhà lập pháp chúng ta khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố cấp cao tại Hội nghị APEC Peru năm 2008 “Cam kết mới đối với sự phát triển của khu vực Châu Á - Thái bình dương”, trong đó đặc biệt là việc đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, tiến hành cải tổ cơ cấu, cải thiện an ninh lương thực và xử lý hài hòa những vấn đề xã hội trong quá trình toàn cầu hóa. Với tinh thần đó APPF cần phải đổi mới phương thức hoạt động, củng cố tổ chức, tăng cường phối hợp với các cơ chế hợp tác khu vực, trước hết là với ASEAN - ARF - AIPA, APEC và các thể chế hợp tác toàn cầu khác, nhằm góp phần hữu hiệu xây dựng khu vực Châu Á - Thái bình dương thành một Cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Là một quốc gia nằm trong vành đai Thái bình dương, Việt Nam đã, đang và sẽ luôn nỗ lực cùng các nước đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung, vì hạnh phúc và tương lai tươi sáng của mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Quốc hội Việt Nam – thành viên của APPF ý thức được rằng ngoại giao nghị viện đóng vai trò rất quan trọng trong việc liên kết khu vực và hội nhập quốc tế ; thúc đẩy giải quyết các vấn đề phức tạp, nhạy cảm có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế, thương mại. Chúng tôi mong muốn phối hợp tích cực hơn nữa với Quốc hội các nước đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nghị viện nhằm thiết thực hỗ trợ thực hiện các chính sách hợp tác của các nền kinh tế APEC, đóng góp vào tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực của chúng ta và trên toàn thế giới.

Xin chân thành cảm ơn Ngài Chủ tịch và các quý vị!

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)