Ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XII: Nghe Chính phủ trình một số dự án

05/11/2008

ND- Ngày 3-11, ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ tư, QH khóa XII. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Bồi thường Nhà nước.

Tại những tổ phóng viên Báo Nhân Dân dự nhận thấy, các ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bồi thường Nhà nước với những mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng luật này  được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Việc ban hành Luật Bồi thường Nhà nước là tiếp tục cụ thể hóa Ðiều 72 và Ðiều 74 của Hiến pháp năm 1992, theo đó "Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, bị xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự" và "Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi về danh dự".

Mặc dù trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác, nhưng phần lớn các quy định hiện hành về phạm vi bồi thường, về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới chỉ là những nguyên tắc, chưa cụ thể nên đã ảnh hưởng việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại.

Thực tiễn cho thấy, kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 388 của Ủy ban Thường vụ QH và nhất là Nghị định số 47 ngày 3-5-1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra còn rất hạn chế. Vì vậy, việc ban hành Luật Bồi thường Nhà nước là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Ðảng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về bồi thường Nhà nước, tạo cơ chế hữu hiệu hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm sự hoạt động ổn định của các cơ quan công quyền và giúp cán bộ, công chức yên tâm khi thực thi công vụ; phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khả năng của ngân sách nhà nước và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

Về phạm vi điều chỉnh (Ðiều 1), đa số ý kiến tán thành như dự thảo là quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án của Nhà nước gây ra.

Một số ý kiến đồng ý như Ðiều 1, nhưng cho rằng, việc quy định các trường hợp được bồi thường Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính ở Ðiều 16 cũng rất nan giải.

Có ý kiến quan niệm, quy định như dự thảo (11 loại công vụ) là chưa đầy đủ. Một số loại công vụ được quy định trong dự thảo lại trùng lặp quy định ở các văn bản khác.

Hoặc như ở khoản 5 quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong việc thực hiện: "Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép", đã quy định tại khoản 1 và 2 điều này.

Nhiều ý kiến quan tâm phạm vi trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định tại Ðiều 3: Nhà nước chỉ bồi thường đối với những thiệt hại do hoạt động của Nhà nước được quy định trong luật này gây ra. Ðó là hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án (Ðiều 1) và được cụ thể hóa tại các Ðiều 16, 17, 18, 43, 44 và 45 của dự thảo luật về các trường hợp được bồi thường trong từng lĩnh vực.

Một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, căn cứ vào trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, khả năng tài chính của Nhà nước cũng như bảo đảm tính khả thi của luật, thì việc giới hạn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là cần thiết.

Tuy nhiên, việc giới hạn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như thế nào là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu quy định sao cho phù hợp quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Vì vậy, cần nghiên cứu để bổ sung cho đầy đủ hơn nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước và người thi hành công vụ đối với công dân.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, có nên tiếp cận như quy định của dự thảo luật hay không? Vì khó có thể liệt kê hết các hành vi và luật này chỉ nên quy định về trình tự, thủ tục giải quyết việc bồi thường.

Bởi vì, trong lĩnh vực quản lý hành chính, thi hành án, bồi thường thiệt hại thường là hệ quả của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ðối với hoạt động tố tụng, trường hợp công dân bị oan thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường.

Một số đại biểu quan tâm quy định về cơ quan giải quyết bồi thường Nhà nước tại Ðiều 9 và cho rằng, việc quy định "Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường" là chưa hợp lý, vì "con ai nấy bênh" cho nên không bảo đảm khách quan. Ðề nghị nên quy định là cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan cấp trên.

Về yêu cầu cấp phát kinh phí bồi thường, có ý kiến cho rằng, quy định trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường Nhà nước có hiệu lực theo quy định tại luật này, cơ quan giải quyết bồi thường Nhà nước đã thụ lý vụ việc yêu cầu bồi thường gửi văn bản đề nghị cấp phát kinh phí bồi thường cho cơ quan tài chính có thẩm quyền là khó thực hiện và dễ phát sinh khiếu kiện.

Một số ý kiến đề nghị nên thành lập Quỹ bồi thường chung ở cấp Trung ương.

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình một số dự án Luật và Ðề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đọc Tờ trình dự án Luật Lý lịch tư pháp, nêu rõ sự cần thiết ban hành luật này và những quan điểm chỉ đạo xây dựng luật cũng như bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật Lý lịch tư pháp.

Theo đó, dự thảo Luật Lý lịch tư pháp có bảy chương, 54 điều quy định về trình tự, thủ tục cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp; lập bản lý lịch tư pháp; tổ chức và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cấp phiếu lý lịch tư pháp; quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

Theo đó, đối tượng quản lý lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam, tòa án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam và nước đó là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam cũng thuộc đối tượng quản lý lý lịch tư pháp.

Ngoài ra, đối tượng quản lý lý lịch tư pháp còn bao gồm những cá nhân (công dân Việt Nam, người nước ngoài) tuy không phải là có án tích (hình sự), nhưng bị Tòa án Việt Nam cấm đảm nhiệm chức vụ; không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong quyết định tuyên bố phá sản.

Thẩm tra dự án luật này, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp của QH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Lý lịch tư pháp nhằm giải quyết những vấn đề bất cập và điều chỉnh thống nhất lĩnh vực này, đáp ứng yêu cầu về cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân, phù hợp yêu cầu hội nhập và xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến thành viên còn băn khoăn về sự cần thiết ban hành luật này vào thời điểm hiện nay, vì cho rằng, lĩnh vực này mới chỉ được điều chỉnh bằng thông tư.

Ủy ban Tư pháp còn nêu ra những hạn chế trong dự thảo ảnh hưởng tính khả thi của luật. Báo cáo thẩm tra cũng nêu ý kiến của Ủy ban Tư pháp về các vấn đề Chính phủ xin ý kiến, như: phạm vi quản lý lý lịch tư pháp, quy định giao cho Trung tâm lý lịch tư pháp thực hiện xóa án tích đương nhiên và một số vấn đề cụ thể khác.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì việc sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất của thực tiễn mà các ý kiến cơ bản tập trung, thống nhất như giảm hình phạt tử hình, điều chỉnh mức định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm, điều chỉnh cấu thành tội phạm và hình phạt đối với một số tội phạm về kinh tế, môi trường, tội phạm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tội buôn bán người, khủng bố, rửa tiền và bổ sung một số hành vi phạm tội mới phát sinh trong một số lĩnh vực nhằm thể chế hóa một bước chủ trương cải cách tư pháp, chủ trương nhân đạo hóa pháp luật hình sự của Ðảng và Nhà nước ta, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Nhà nước ta đã cam kết, tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự lần này đề cập đến 48 điều luật của Bộ luật Hình sự hiện hành và bổ sung mới 16 điều, tập trung vào ba nội dung chính.

Ðó là, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Bộ luật Hình sự theo hướng nhân đạo hóa gồm: Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Chương X - Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội; phi hình sự hóa đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Ðiều 199 của bộ luật này; phi hình sự hóa hành vi ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Ðiều 274 Bộ luật Hình sự và phi hình sự hóa một phần đối với nhóm hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản... Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản nhằm góp phần tháo gỡ một bước những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và cập nhật những hành vi phạm tội mới phát sinh trong một số lĩnh vực. Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản nhằm chuẩn bị các điều kiện pháp lý hình sự để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Nhà nước đã cam kết. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH đã nêu rõ các loại ý kiến trong Ủy ban về những vấn đề sửa đổi, bổ sung trong tờ trình của Chính phủ.

Cuối phiên họp này, QH đã nghe Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đọc báo cáo thẩm tra Ðề án này.

 

HOÀNG LONG và HOÀNG TRANG

(http://www.nhandan.com.vn/)