Quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức vay nợ công

28/10/2008

(VOV) - Theo các đại biểu Quốc hội, một trong những nguyên nhân của việc quản lý nợ công lỏng lẻo, sử dụng vốn vay còn lãng phí là do việc xử lý trách nhiệm còn chung chung, thiếu cụ thể

Chiều nay (27/10), Quốc hội làm việc ở Tổ, thảo luận về Dự án Luật quản lý nợ công.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn thành phố Hà Nội)

Tại Tổ thảo luận của các đoàn Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hoà Bình, thành phố Hà Nội, các đại biểu đều nhấn mạnh đến việc cần thiết phải ban hành Luật quản lý nợ công. Các đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn thành phố Hà Nội),  Nguyễn Văn Sơn (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công còn nhiều hạn chế, cụ thể là: các quy định mới chỉ dừng ở Nghị định, thông tư, chưa được pháp điển hóa, nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nhiều vấn đề phát sinh trong công tác quản lý chưa được điều chỉnh kịp thời. Vì thế cần thiết ban hành Luật Quản lý nợ công nhằm tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Theo quy định hiện hành thì Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cùng thực hiện chức năng quản lý nợ khu vực công. Các đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng phân tán, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nợ. Chỉ riêng chức năng đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay đã có ba cơ quan là đầu mối thực hiện. Ngoài ra, cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều giữ vai trò là đại diện cho người vay tại các thoả thuận vay khác nhau...

 

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (đoàn thành phố Hà Nội) băn khoăn: ”Việc phân cấp như vậy không biết Chính phủ, Nhà nước có quản lý được việc vay nợ công không. Vì vay nợ công thì rất dễ, nhưng trả nợ công thì rất khó. Vì thế, chỉ nên quy định một cơ quan giữ vai trò đại diện cho Nhà nước ký kết các hiệp định vay nợ và là người đại diện cho các khoản vay nước ngoài. Theo tôi, giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng này là hợp lý”.

 

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) và một số đại biểu lại nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc vay nợ công. Luật này khi ban hành phải tránh được hạn chế như trong Luật Bảo vệ môi trường là  ”mới chỉ xử lý pháp nhân chứ không phải là cá nhân”, nên việc xử lý trách nhiệm còn chưa đến nơi đến chốn. ”Phải quy định rõ một công ty, tổ chức đứng ra vay nợ thì ai là người lại diện đứng ra vay. Khi xử lý phải quy trách nhiệm cho cá nhân đó chứ không quy trách nhiệm chung chung cho đơn vị”- Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào bày tỏ.

 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn thành phố Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến việc quản lý vốn vay ODA trong thời gian vừa qua. Việc sử dụng nguồn vốn nay vẫn còn lãng phí, kém hiệu quả, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. “Chính phủ bây giờ mới trình Dự án Luật là khá muộn khi vấn đề sử dụng vốn vay ODA đang trở nên khá lãng phí. Trong Luật vẫn còn sự chồng chéo, chưa rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành. Quy định khá nhiều Bộ, ngành quản lý việc vay vốn nhưng để quy trách nhiệm cuối cùng cho Bộ, ngành nào lại chưa rõ. Vì thế, Luật cần phải quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, không để chung chung chỉ có “phê duyệt” như Dự án Luật”.

 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh liên hệ đến việc Chính phủ vừa phê duyệt việc kiên cố hoá trường học, chỉ một phòng học đã được phê duyệt đến hàng tỷ đồng, trong khi có rất nhiều nơi cần đầu tư thì lại không được. Vì thế cần phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sự việc.

 

Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về việc vay nợ của chính quyền địa phương. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) và một số đại biểu đồng ý với việc quy định như trong Dự án Luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh có quyền xây dựng phương án, chủ động tìm nguồn vốn vay, phối hợp với các cơ quan liên quan đàm phán vay và trình Thủ tướng Chính phủ ký kết thỏa thuận vay theo phương thức vay về cho vay lại.

 

Tuy vậy, phần lớn các đại biểu cho rằng, không nên để các địa phương chủ động đàm phán, ký kết vay nợ nước ngoài vì năng lực, kỹ năng đàm phán vay nợ của mỗi địa phương là rất khác nhau. Mặt khác, việc vay vốn phải bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất theo đầu mối, có hệ thống, bảo đảm phù hợp với chính sách tài chính và chiến lược vay nợ đã được phê duyệt.

 

Cũng trong chiều nay, các đại biểu đã góp ý cho nhiều vấn đề như việc sử dụng khoản vay lại từ vốn vay nước ngoài; Quỹ tích lũy trả nợ; thanh tra, kiểm tra, giám sát  và chế độ báo cáo…

 

Trước đó, sáng nay Quốc hội đã làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

 

 Ngày mai (28/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009. Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp phiên thảo luận này để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi./.

Minh Hoà – Thanh Hà

(http://vovnews.vn)