Quốc hội thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của hai dự án Luật Cán bộ, công chức và Giao thông đường bộ

21/10/2008

ND - Ngày 20-10, ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ tư, QH khóa XII, QH đã thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của hai dự án Luật Cán bộ, công chức và Giao thông đường bộ.

Cần quan tâm đến cán bộ xã

Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu.

QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cán bộ, công chức và  thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Vấn đề được rất nhiều đại biểu QH quan tâm và phát biểu ý kiến là những quy định về cán bộ, công chức cấp xã được dự thảo Luật thể hiện trong Chương V, từ điều 62 đến điều 70. Ðại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) cho rằng, trong tình hình phát triển hiện nay của đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có vai trò rất quan trọng, bởi họ là những người nắm rõ, hiểu sâu cơ sở, nhiều người năng động, nhạy bén. Bên cạnh đó, cấp xã là nơi triển khai các Nghị quyết, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội quan trọng. Vì vậy, dự thảo Luật không nên tách riêng những quy định về cán bộ, công chức cấp xã thành một chương riêng.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng) nhấn mạnh: Việc dành riêng một chương để đưa ra những quy định về cán bộ, công chức cấp xã là không hợp lý và nên đưa chung vào chương cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, cần có quy định: Nếu cán bộ, công chức cấp xã nào có đủ điều kiện thì được tuyển dụng chính thức.

Ðại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Ðịnh) nêu vấn đề: Cần có chế độ và cơ chế liên thông giữa cán bộ cấp xã và huyện để có thể luân chuyển, điều động cán bộ có năng lực từ xã lên huyện công tác.

Ðại biểu Phan Thị Thu Hà (Ðồng Tháp) cho rằng, hiện nay, trong thực tế, các cán bộ xã đang triển khai rất nhiều công việc quan trọng và rất cần sự quan tâm, đãi ngộ xứng đáng của Nhà nước. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm các chế độ đối với đội ngũ này để họ có điều kiện và quyết tâm cống hiến cho đất nước.

Các đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên), Danh Út (Kiên Giang) và một số đại biểu khác cho rằng: Việc xây dựng chương V về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là không hợp lý, dễ gây ra tâm lý bị phân biệt, đối xử trong khi đang phải thực hiện nhiều công việc tại cơ sở và đời sống còn nhiều khó khăn...

Nhiều đại biểu cho rằng cần có chế độ ưu đãi hơn nữa đối với những cán bộ, công chức được biệt phái, luân chuyển trong nhiệm kỳ ba năm tiếp theo sau nhiệm kỳ đầu.

Ðại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cho rằng: Dự thảo nên đưa ra những quy định cụ thể về chế độ ưu đãi đối với những cán bộ, công chức công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo để khuyến khích họ làm việc, cống hiến ở những địa bàn khó khăn.

Về vấn đề này, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu rõ: Dự án Luật chưa cụ thể hóa công tác đào tạo cán bộ, công chức vùng dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung chế độ đãi ngộ hợp lý đối với đối tượng này, trong đó chú ý xét tuyển chính thức cán bộ người dân tộc thiểu số mà không phải qua thi tuyển như các đối tượng cán bộ, công chức khác.

Một số đại biểu QH đề nghị xem xét những quy định tại mục 4, Chương II về những việc cán bộ, công chức không được làm, để sát với tình hình thực tế, nhất là những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh; bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá, phân loại cán bộ; những quy định về nghỉ hưu cần rõ ràng, công khai và công bằng giữa cán bộ và công chức...

Có đại biểu đề nghị Dự thảo luật cần bổ sung phẩm chất chính trị vào các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức; sớm ban hành những quy định cụ thể về thi tuyển công chức và nội dung thi để góp phần bảo đảm tuyển chọn được những cán bộ có năng lực; thêm mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ vào các mức đánh giá cán bộ...

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Quang Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ 12 vấn đề còn ý kiến khác nhau được giải trình, tiếp thụ và chỉnh lý. Ðó là chính sách phát triển giao thông đường bộ, nhất là ở các thành phố và đô thị; việc quy hoạch giao thông vận tải đường bộ gắn kết với quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là với quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; việc quy định nồng độ cồn trong máu và trong khí thở, nghiêm cấm "điều khiển xe ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn"; đối với xe mô-tô, xe gắn máy "mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 mi-li-lít máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở"; việc cấm "xe thô sơ, người đi bộ, xe gắn máy, máy kéo có thiết kế dưới 70 km/h không được đi vào đường cao tốc"; về quy định tuổi của trẻ em ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi, xe đạp là dưới 8, 7 hoặc 5 tuổi; việc dành quỹ đất cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ so với đất xây dựng đô thị từ 16 đến 26%; việc lập và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ; về tuổi và sức khỏe của người lái xe; việc tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ và huy động các lực lượng công an, công an xã vào việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông và một số vấn đề khác.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành, nhất trí cao những điểm đã được Ban soạn thảo tiếp thụ, chỉnh lý, và cho rằng việc thông qua Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại kỳ họp này sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian tới, trên nhiều mặt: nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông và phương tiện tham gia giao thông; có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

Ðại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đề nghị không nên xác định "cứng" quỹ đất giao thông đường bộ từ 16 đến 26%, mà luật chỉ quy định "ưu tiên" dành đất cho việc này, tỷ lệ cụ thể là bao nhiêu tùy thời gian, khu vực, tỉnh, thành phố và do Chính phủ quy định. Ðại biểu này cũng đề nghị, sau khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ban hành, cần dành kinh phí thỏa đáng để tuyên truyền, phổ biến đến toàn dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Ðại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Ðồng Tháp) chỉ ra một thực tế: Cần phải quy định trong luật việc các đơn vị thi công công trình xây dựng, công trình giao thông làm ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cuộc sống của nhân dân thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành việc quy định nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở đối với người đi xe mô-tô, xe gắn máy và tuyệt đối cấm lái xe uống rượu bia khi lái xe; tán thành quy định về độ tuổi lái xe chở người, quy định lái xe một ngày làm việc không quá 10 giờ, không lái xe liên tục bốn giờ; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các chủ kinh doanh vận tải ép buộc lái xe chạy liên tục, giành khách dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Ðại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng) đề nghị nghiêm cấm sử dụng điện thoại di động trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Ðại biểu Võ Tiến Trung (Phú Yên) nêu vấn đề, dự luật chưa thật sự quan tâm đến người đi bộ, và đề nghị ở những công trình xây dựng mới phải có đường cho người đi bộ, diện tích phải bằng hai phần ba diện tích dành cho xe cơ giới; đồng thời phải sửa chữa, chỉnh trang phần đường dành cho người đi bộ hiện có, nhất là ở các thành phố lớn.

Trong thảo luận nhiều đại biểu QH cũng tán thành để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, việc huy động thêm lực lượng công an khác và công an xã tham gia vào công tác này là cần thiết, nhưng Chính phủ phải có quy định cụ thể, chặt chẽ, chống lạm dụng.

Các đại biểu QH còn tham gia nhiều ý kiến cụ thể vào việc quy hoạch các loại đường, các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định về đào tạo và cấp giấy phép lái xe, thứ tự ưu tiên trong xây dựng công trình giao thông đường bộ, quy định đội mũ bảo hiểm và chất lượng của mũ trong việc bảo đảm tính mạng người dân khi tham gia giao thông và một số vấn đề khác.

 

ÐINH SONG LINH và TRẦN ÐÌNH CHÍNH

(http://www.nhandan.com.vn)