Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội ta đang trên đà đổi mới

07/02/2008

Trước thềm Xuân Mậu Tý 2008, khi đặt vấn đề xin phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội để làm bài cho số Báo Tết, tôi được trả lời: “Những thành tựu, hạn chế trong hoạt động của Quốc hội thì tại các cuộc họp trong năm mình đã nói cả rồi. Bây giờ nói nữa e sẽ chỉ là nhắc lại.” Thế rồi sau hai, ba lần đề nghị, cuối cùng chúng tôi cũng đã được Chủ tịch Quốc hội dành cho một cuộc trò chuyện thân mật.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng thăm đền Hùng

 

      Trong không khí cởi mở, chân tình, Chủ tịch Quốc hội đã trải lòng. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi 3 chức năng cơ bản của Quốc hội; câu chuyện của người đứng đầu cơ quan lập pháp - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - với chúng tôi còn nói về những chuyện đời thường, những chuyến công tác đến những vùng, miền khó khăn của đất nước… Dưới đây là lược ghi mấy ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.

 

      Đổi mới phải mạnh mẽ nhưng không thể vội vàng…

 

      Năm 2007 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI và khóa XII. Hai tiếng chuyển giao nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế chứa đựng trong đó khá nhiều vấn đề. Hơn 2/3 số đại biểu Quốc hội khóa XI không tái cử; 10/13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghỉ công tác, trong đó có nhiều đồng chí “lão làng” như anh Yểu, chị Hoài Thu, chị Tâm Đan, anh Vũ Mão, anh Khiển… những người mang trong mình bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm hoạt động của cơ quan dân cử. Trong khi đó, Quốc hội đứng trước yêu cầu phải tiếp tục đổi mới - đổi mới cả tổ chức và phương thức hoạt động. Nhiều vấn đề Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải quyết định là khá phức tạp và nhạy cảm. Phải làm sao kế thừa và phát huy những kết quả đã có. Làm sao chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII theo tinh thần đổi mới đạt được kết quả tốt đẹp. Có người lo không biết Quốc hội khóa mới có kế thừa được những thành quả của Quốc hội khóa cũ hay không, có bị hụt hẫng không? Công tác chỉ đạo chuẩn bị cho cuộc bầu cử, cách giới thiệu nhân sự như thế nào để vừa đảm bảo dân chủ, thực quyền, vừa bầu đúng được những người mình giới thiệu? Nhưng, cuối cùng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII đã thành công tốt đẹp. Không phải bầu thêm, bầu lại, không có “sự cố” lớn nào đáng tiếc xảy ra.

      Ngay sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung khá nhiều công sức và thời gian cho việc chuẩn bị sắp xếp tổ chức, bố trí nhân sự vào các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban và cơ quan giúp việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị cho Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII với  nhiệm vụ chủ yếu là quyết đáp những vấn đề quan trọng về nhân sự cấp cao của Nhà nước. Lúc bắt đầu vào kỳ họp, thú thật, mình cũng thấy hồi hộp và lo lo. Suốt cả tuần đầu tiên, một mình ngồi trên ghế chủ tọa điều hành không bàn bạc, trao đổi được gì với ai… Nhưng rồi kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Phó Chủ tịch Quốc hội; 22 Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ; 18 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội đều suôn sẻ; các chức danh chủ chốt đều trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao…

 

      Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội là yêu cầu khách quan, là công việc tất yếu phải làm. Nhưng đổi mới không thể vội vàng, mà phải có bước đi chắc chắn. Và không thể chỉ nghĩ cho trước mắt mà còn nghĩ cho lâu dài, cho những nhiệm kỳ tiếp sau của Quốc hội. Đây là lý do vì sao Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành rất nhiều tâm sức cho công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI và xác định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của Quốc hội khóa XII. Làm sao để rút ra những kinh nghiệm một cách đầy đủ nhất. Phải nói công tác tổng kết đã được triển khai khá bài bản và công phu, suốt từ tháng 10/2006 đến nửa đầu năm 2007. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội… cùng vào cuộc để tổng kết. Các dự thảo Báo cáo tổng kết được thảo luận, cân nhắc nhiều lần, rút ra 7 bài học kinh nghiệm. Trong những bài học đó, tôi tâm đắc nhất vẫn là phải biết lắng nghe, chắt lọc và tôn trọng ý kiến của cử tri và nhân dân; đồng thời cũng phải có chính kiến để tổ chức tốt công việc.

 

      Quốc hội khóa XII với đặc điểm hơn 2/3 đại biểu Quốc hội là những người lần đầu tiên tham gia Quốc hội; có người lo không biết chất lượng đại biểu Quốc hội có bằng khóa trước không. Tại kỳ họp thứ nhất, đại biểu Quốc hội chưa có nhiều cơ hội để thể hiện mình, nhưng đến kỳ họp thứ hai, khi mà thời gian dành cho việc thảo luận nhiều hơn, có thể thấy chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XII khá cao. Nhiều đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số công tác ở cơ sở phát biểu rất tự tin. Đại biểu Quốc hội là Chủ tịch Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố rất thẳng thắn, chất vấn cả Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng. Chưa bao giờ số lượng các chất vấn lại nhiều như thế; số lượng các đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước lại đông như thế.

 

      Tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (15/18 đồng chí là mới) phát biểu cũng hết sức thẳng thắn, ý kiến xuôi, ý kiến ngược, thậm chí là gay gắt, nhưng cuối cùng đều đạt tới sự thống nhất cao trong các quyết định. Quá trình chuyển giao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI và khóa XII đã diễn ra rất tốt đẹp, có sự kế thừa, phát triển và là sự tiếp nối chân thành, không hề có sự đứt đoạn. Bây giờ nhìn lại, mình cũng thấy vui vui…

 

      Quan trọng vẫn là hiệu quả

 

      Những kết quả bước đầu của Quốc hội khóa XII là đáng ghi nhận. Nhưng dẫu sao, mong muốn vẫn là Quốc hội phải tiếp tục đổi mới mạnh hơn nữa. Mạnh nhưng phải chắc và hiệu quả. Phương pháp, phong cách mỗi người có thể khác nhau, nhưng đích đi đến là hiệu quả - hiệu quả chính trị, hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế. Và tập trung là phát huy được dân chủ một cách thực chất, giảm bớt tính hình thức trong các hoạt động của Quốc hội.

 

      Để triển khai các hoạt động của Quốc hội theo hướng này thì công tác lập pháp phải được tiến hành một cách tích cực, quyết liệt theo hướng xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ hơn. Số lượng các dự án luật được xem xét, thông qua nhiều, nhưng chất lượng phải được bảo đảm, phải sát với thực tế cuộc sống. Phải làm sao để Quốc hội họp ngắn hơn nhưng xem xét, cho ý kiến và thông qua được nhiều luật với chất lượng cao hơn và nhanh đi vào cuộc sống. Giám sát phải bảo đảm hiệu quả và đi vào thực chất hơn. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn phải chọn những vấn đề đích đáng và chỉ đạo triển khai thực hiện đến nơi đến chốn, đem lại kết quả thiết thực. Đối với việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như bầu cử, nhân sự, ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm…, để giảm bớt tính hình thức thì phải cung cấp đầy đủ thông tin, nâng chất lượng các buổi thảo luận. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Quốc hội cũng cần tiếp tục mở rộng hoạt động ngoại giao nghị viện.

 

      Định hướng là thế, còn triển khai như thế nào thì không đơn giản. Phải tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đổi mới phương thức hoạt động các cơ quan của Quốc hội, kể cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội. Hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo tiếp tục tổng kết, xây dựng, bổ sung một số quy chế hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm cho hoạt động của tất cả các cơ quan vận hành một cách ăn khớp, nhịp nhàng. Nhìn vào đội ngũ các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa này tôi thấy rất tin tưởng và hy vọng. Với đại biểu Quốc hội cũng thế, mới là một, hai kỳ họp đầu tiên, nhưng các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, trước nhân dân. Đương nhiên, để đáp ứng yêu cầu cải tiến, đổi mới các hoạt động của Quốc hội, thì các đại biểu Quốc hội cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa, kể cả Chủ tịch Quốc hội. Đi vào những luật chuyên ngành như Luật Hóa chất, Luật Năng lượng nguyên tử… thì đâu phải ai cũng có hiểu biết sâu về chuyên môn để đóng góp ý kiến. Các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách lại càng phải đào sâu, nghiên cứu, am tường lĩnh vực chuyên môn của mình, thực sự là những chuyên gia xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời phải có bản lĩnh, dũng khí, nhất là trong lĩnh vực giám sát việc tổ chức thực hiện. Các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm (Quốc hội không thể không có đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm) cũng cần dành thời gian và đầu tư công sức nhiều hơn cho các hoạt động của Quốc hội. Thực tế vừa qua cho thấy, việc tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành, điều hành các phiên họp theo hướng phát huy đến mức cao nhất vai trò của từng cá nhân đại biểu Quốc hội là rất đúng.

 

 

 

      Mình cũng là dân, từ trong dân mà ra…

      Đi công tác địa phương, hướng về cơ sở, tiếp xúc được nhiều với các tầng lớp nhân dân luôn là điều mong muốn của tôi. Sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, tại sao tôi lại chọn Tuyên Quang cho chuyến công tác đầu tiên? Bởi, đây là nơi phát nguồn của Quốc hội. Hay trong các chuyến công tác năm 2007, tại sao lại là kiểm tra tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, thủy điện Sơn La, khí điện đạm Bà Rịa-Vũng Tàu,…? Bởi, đó là những công trình trọng điểm quốc gia mà Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư. Đi đúng vai của mình, không chồng lấn sang chức năng của cơ quan khác. Trong các chuyến công tác này, chúng tôi đã thăm được nhiều nơi, được trò chuyện với nhiều giới đồng bào, như Ba Na, Ê Đê ở Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk; đồng bào Khơme ở Sóc Trăng, Kiên Giang; đồng bào H’Mông, Thái, Dao… ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai; đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận… Trong các chuyến đi này, anh em nói vui rằng mỗi buổi xuống gặp dân tại các xã, phường là một cuộc “tiếp xúc cử tri đặc biệt”, có người gọi những chuyến đi như thế là “về với dân”. Tôi thì không hoàn toàn nghĩ thế. Bởi tự thấy mình cũng là dân, từ trong dân mà ra, không được có ý thức tách biệt hay xa cách với dân. Nguồn vốn sống thực tiễn, ý kiến từ nhân dân là nguồn không bao giờ cạn. Tình cảm của dân là tình cảm mênh mông, nó bồi đắp cho mình nhiều lắm. Đi mới biết, mới thấu hiểu. Thực ra, mình cũng chưa đi được nhiều. Nhưng điều quan trọng là phải chọn cách đi như thế nào cho thiết thực. Đi để học dân, học thực tiễn, để làm sao chính sách, luật pháp ban hành ra đừng xa rời cuộc sống. Hiện nay, có những quy định chưa thật sát với thực tiễn nên nó chưa vào cuộc sống, cũng còn những điều chưa hợp lòng dân... Nếu những người làm chính sách, những nhà lập pháp không nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân, không hiểu biết thực tiễn thì dễ quyết định sai lắm. Khi làm việc với các địa phương không phải ngẫu nhiên tôi lại nhắc lãnh đạo địa phương phải quan tâm đến những vấn đề dân sinh bức xúc; phải lo cho bà con, nhất là ở những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế tăng trưởng cao là điều mừng, nhưng cũng phải lo làm sao để bảo đảm sự tiến bộ và công bằng xã hội, sự phát triển bền vững ngay trong từng bước đi, từng chính sách phát triển. Đây không đơn thuần là vấn đề xã hội mà đó là lòng dân, là vấn đề chính trị, là một chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước ta.

 

      Nhân dịp Xuân Mậu Tý - 2008, tôi muốn nhắn gửi tới cử tri và nhân dân cả nước lòng biết ơn chân thành và mong rằng bà con tiếp tục phát huy vai trò làm chủ của mình trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, cũng như triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội… Xin chúc cử tri và nhân dân một năm mới dồi dào sức khỏe, có nhiều đóng góp mới cho đất nước nói chung và Quốc hội ta nói riêng.

      - Xin cảm ơn Chủ tịch!

 

 

T.Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)