Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và đánh chiêng khai mạc Ngày hội. Cùng dự và chia vui với đồng bào dân tộc Mường còn có Chủ tịch HĐDT K’sor Phước; Lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo một số tỉnh, thành lân cận của tỉnh Hòa Bình...
Hiện nay, cả nước ta có khoảng hơn 1 triệu người là đồng bào dân tộc Mường, sinh sống ở một số tỉnh, thành phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên như Ninh Bình, Hà Tây, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đăk Lăk... Hòa Bình được chọn là nơi đầu tiên tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mường toàn quốc bởi đây là quê hương của nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng (người Mường là chủ nhân của nền Văn hóa này), miền đất của sử thi Đẻ đất, đẻ nước, của những lễ hội văn hóa phóng phú, đặc sắc, đậm chất Mường. Hòa Bình cũng là nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống- chiếm 63% trên tổng số 83 vạn dân của tỉnh.
Trong lịch sử văn hóa cổ, truyền thống của người Mường, văn học dân gian, văn học truyền miệng là loại hình nghệ thuật duy nhất và quan trọng. Văn hóa cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc, truyền thống trong cuộc sống và sinh hoạt văn hóa hàng ngày của người Mường. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như cơm lam, rượu cần, nhà sàn, vải thổ cẩm, kỹ thuật trồng lúa trên ruộng bậc thang, các làn điệu dân ca, các nhạc cụ cồng chiêng, nhảy sạp... là sản phẩm trí tuệ được đúc rút, sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất hàng ngàn năm nay của người Mường.
Trong 4 ngày diễn ra Ngày hội (từ ngày 14- 17.12), nhiều hoạt động được tổ chức như cuộc thi Người đẹp xứ Mường, Đêm hội rượu cần, Lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, Hội thảo “Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Mường thời kỳ đổi mới- hội nhập của đất nước”...
Nhân dịp này, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Bảo tàng Không gian văn hóa Mường- được xây dựng trên một vạt đồi vốn là nơi sinh sống của người Mường cổ. Đây là công trình văn hóa, nghệ thuật bắt nguồn từ niềm cảm hứng của một họa sỹ người Hòa Bình với khát vọng tái hiện lại toàn bộ không gian sống của người Mường.