Những năm gần đây, tai nạn giao thông ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Tính trung bình mỗi ngày, trên cả nước xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, làm 37 người chết, 31 người bị thương. Tai nạn giao thông còn gây tổn thất về vật chất hàng năm lên đến gần 900 triệu USD, chiếm hơn 5,5% tổng thu ngân sách cả nước. Mặc dù, hệ thống pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã tương đối hoàn chỉnh; Chính phủ và UBND các cấp cũng đã triển khai nhiều giải pháp, đề án cụ thể nhằm tăng cường quản lý về trật tự an toàn giao thông... nhưng kết quả thu được còn hạn chế và thiếu tính bền vững.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu chia sẻ với những bức xúc của người dân về trật tự an toàn giao thông và khẳng định: Vấn đề này đã được các ĐBQH đặt lên bàn nghị sự với việc xác định mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ KT-XH năm 2008 là: Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, tai nạn và ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Nghị quyết của QH cũng yêu cầu Chính phủ phải tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, phấn đấu giảm tai nạn giao thông, khắc phục những yếu kém trong quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông. PCT mong rằng: Các cấp, ngành sẽ đồng tâm, hiệp lực và cùng hành động quyết liệt hơn nữa; Các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, sai phạm trong quá trình thực hiện. Điều quan trọng, PCT đề nghị, để pháp luật về an toàn giao thông đi vào cuộc sống, cần phải khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đề cao văn hoá ứng xử, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân trong việc thiết lập lại trật tự an toàn giao thông, tạo niềm tin và ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho mỗi người dân khi tham gia giao thông.