Những việc cần làm ngay của các cơ quan tư pháp

06/11/2007

Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà và tăng cường sự phối hợp giữa Công an, Viện kiểm sát và Toà án trong công tác thi hành án là những việc “cần làm ngay” để đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xét xử trong tình hình mới.

(VOV)_ Các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã nhận được sự góp ý sôi nổi của các vị Đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận tại Hội trường trong mấy ngày vừa qua.

Theo nhận định chung của các Đại biểu, thời gian qua, hoạt động của các cơ quan tư pháp đã có nhiều tiến bộ, chất lượng điều tra xét xử được nâng cao, nhiều vụ án phức tạp, người dân quan tâm đã được điều tra, xét xử nghiêm minh. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác tư pháp cũng còn nhiều hạn chế, các vụ điều tra, xét xử vẫn để lọt người, lọt tội, công tác tranh tụng tại toà chưa được quan tâm đúng mức - trong khi đây được coi là khâu đột phá trong cải cách tư pháp; vẫn còn tình trạng khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng… Một số ý kiến cho rằng trình độ cán bộ trong các cơ quan tư pháp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu…

Về đẩy mạnh cải cách tư pháp trong tình hình mới, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, mặc dù cải cách tư pháp thời gian qua tiến hành vẫn chậm so với cải cách hành chính nhưng cũng đã thu được những kết quả bước đầu. Để bảo vệ quyền lợi của người dân trước yêu cầu hội nhập, đại biểu cho rằng, các cơ quan tư pháp cần chủ động hơn nữa để đến năm 2010 phải tạo được dấu ấn trong xây dựng nền tư pháp của Việt Nam. Trước mắt, trong năm 2008, phải xây dựng được Tòa án sơ thẩm cho xứng tầm với vị trí, vai trò hiện nay.

Chất lượng xét xử, đặc biệt là công tác tranh tụng tại tòa cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, mặc dù đã có cố gắng nhưng công tác tranh tụng tại tòa vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt vai trò, ý kiến của các luật sư tại các phiên tòa chưa được xem trọng, trong khi đây được xem là khâu đột phá trong tiến trình cải cách tư pháp. Quyền của luật sư trong hoạt động tố tụng cũng còn nhiều vướng mắc, ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân tích, theo đúng luật, sau 3 ngày ra quyết định khởi tố bị can, bắt người, cơ quan điều tra phải cấp giấy phép bào chữa cho luật sư, nhưng trên thực tế, một số cơ quan tố tụng còn gây phiền hà, khó khăn cho luật sư; khi ra toà chưa thực sự có tranh tụng giải đáp thoả đáng thắc mắc của luật sư.

Chất lượng xét xử cũng là nỗi băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội vì trong năm 2007 vẫn còn những trường hợp truy tố, xét xử oan sai, trong khi việc bồi thường oan sai cho người dân vẫn còn nhiều bất cập và công tác xử lý trách nhiệm người để xảy ra oan sai cũng chưa được thực hiện tốt.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Quốc Vượng khẳng định: Sự phối kết hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để cùng nhắc nhở, yêu cầu và giám sát nhau tuân thủ đúng pháp luật, không gây oan sai, chứ không phải nhằm mục đích thống nhất đường lối xét xử một vụ án. Hơn nữa, để đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, khắc phục tình trạng truy tố oan và tăng cường trách nhiệm cá nhân của cán bộ tư pháp, Viện trưởng Trần Quốc Vượng cho rằng: Xác định trách nhiệm của từng người, từng tập thể dù khó khăn nhưng không thể không làm. Không thể để Nhà nước cứ đền bù, còn tập thể, cá nhân làm sai nhưng lại không phải chịu trách nhiệm gì.

Một số đại biểu đề nghị nâng cao hiệu quả công tác của ngành tòa án, việc giải quyết các tranh chấp về hành chính, dân sự, lao động và xét xử các vụ án hình sự. Một số ý kiến khác góp ý đề nghị cần có ưu tiên thỏa đáng cho công tác đào tạo cán bộ, kiểm sát viên, cán bộ thi hành án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay vẫn còn tới gần 40% số điều tra viên chưa tốt nghiệp cử nhân luật, chưa đạt tiêu chuẩn điều tra viên theo Pháp lệnh điều tra mới. Theo các đại biểu, năm qua có tới 44.137 đơn khiếu nại, tố cáo có liên quan đến các quyết định hành chính, thế nhưng việc thụ lý của toà chỉ có 1.261 vụ, các đại biểu đặt câu hỏi phải chăng sự yếu kém trong công tác xét xử các vụ án hành chính đã khiến người dân không tin tưởng và chọn con đường khiếu nại?

Tại các phiên thảo luận, các Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, tỷ lệ án huỷ, sửa vẫn còn cao, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn nhiều, chưa có giải pháp cơ bản giải quyết tình trạng này. Công tác thi hành án hình sự và dân sự còn hạn chế, án dân sự tồn đọng còn nhiều… Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xét xử trong tình hình mới, các cơ quan tư pháp cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra./.

 

Hà Nho Thủy

(http://www.vovnews.vn/)