Phạm vi điều chỉnh: Bốn hay hai lĩnh vực?
Trong phiên họp buổi sáng, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tương trợ tư pháp. Dự án Luật này đã được các đại biểu QH khóa XI thảo luận và cho ý kiến. Tổng hợp ý kiến các đại biểu QH cho thấy, dự thảo luật quy định cả bốn lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là phù hợp pháp luật Việt Nam hiện hành và thông lệ, pháp luật quốc tế hiện nay. Việc quy định cả bốn lĩnh vực nói trên sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo quy định: Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an là bốn đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các ủy thác tư pháp về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Qua thảo luận cho thấy, ý kiến phát biểu của các đại biểu đề cập khá nhiều vấn đề, cả những vấn đề chung và vấn đề cụ thể, nhưng tập trung vào hai vấn đề chủ yếu là: Phạm vi điều chỉnh bốn vấn đề hay chỉ hai hoặc ba vấn đề và cơ quan đầu mối ở T.Ư tiếp nhận chuyển giao hồ sơ tài liệu về tương trợ tư pháp. Ða số ý kiến đại biểu tán thành như dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh cả bốn lĩnh vực nói trên (Phạm Xuân Thường-Thái Bình, Nguyễn Bá Thuyền-Lâm Ðồng, Vi Trọng Lễ-Phú Thọ, Nguyễn Văn Hợp-Hải Dương...). Tuy nhiên, đồng ý như vậy, nhưng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền vẫn còn băn khoăn về dẫn độ, vì việc này liên quan vấn đề chính trị. Một số ý kiến đề nghị, Luật này chỉ điều chỉnh tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự, còn vấn đề dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù cần được tiếp tục nghiên cứu để quy định ở các văn bản pháp luật khác, vì cho đây là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, nhất là về mặt chính trị, ngoại giao.
Vấn đề thứ hai được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là việc quy định cơ quan đầu mối ở T.Ư trong việc tiếp nhận chuyển giao hồ sơ, tài liệu về tương trợ tư pháp. Theo dự thảo luật, thì Bộ Tư pháp là đầu mối tiếp nhận các ủy thác tư pháp với nước ngoài về dân sự, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về hình sự, Bộ Công an về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Ðại biểu này cho rằng, quy định như vậy là thiếu tập trung, không thống nhất, sẽ gây ra khó khăn cho phía yêu cầu tương trợ tư pháp. Do vậy, đề nghị giảm đầu mối ở T.Ư và chỉ tập trung vào hai cơ quan là Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Ðại biểu Vi Trọng Lễ cũng đề nghị bổ sung vào Chương VI một điều quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong hoạt động tương trợ tư pháp, ít nhất là quy định trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các cơ quan có liên quan.
Một số đại biểu QH đề nghị bỏ khoản c, Ðiều 51 quy định người bị tòa án nước ngoài xử phạt tù chuyển giao về Việt Nam phải thạo tiếng Việt, còn không thạo thì không nhận về, vì như vậy là không hợp lý.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, QH thảo luận dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Mở đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án luật này, nêu rõ: Các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể là bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hay bạo lực kinh tế. Về các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, báo cáo nêu ra các ý kiến khác nhau về các biện pháp được quy định cụ thể trong dự án luật, như: phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư; cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; việc áp dụng biện pháp xử phạt thông qua biện pháp lao động vì lợi ích cộng đồng và một số biện pháp khác. Dự án luật quy định nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực là phải chủ động đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị bệnh, và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân; quy định việc cơ sở y tế Nhà nước, của các cơ sở y tế thuộc các thành phần kinh tế thực hiện việc trợ giúp các nạn nhân bạo lực gia đình, coi đây là vấn đề nhân đạo, đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội đối với các nạn nhân. Về xử lý các hành vi bạo lực gia đình, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng: cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thích đáng như mọi công dân khác, như bị xử lý vi phạm hành chính, thông báo vụ việc đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người vi phạm để giáo dục...
Phát biểu ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu QH cho rằng, tình trạng bạo lực gia đình ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng cho tính ổn định của gia đình và trật tự an toàn xã hội, cho nên, việc xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là rất cần thiết, góp phần giữ gìn hạnh phúc, sự bình yên của mỗi gia đình và sự bền vững của xã hội. Ðại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng) nhất trí với dự thảo xác định có chín hành vi bạo lực gia đình được quy định ở Ðiều 2, nhưng băn khoăn về hành vi "cưỡng ép quan hệ tình dục" trong một số trường hợp? Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) và một số đại biểu khác đề nghị, do mang tính đặc thù, cho nên các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ mang tính hành chính, mà trong nhiều trường hợp, khi xử lý phải rất tinh tế, khéo léo, nếu không hậu quả để lại càng nặng nề hơn. Thí dụ, biện pháp cấm người có hành vi bạo lực tiếp xúc với người bị nạn là thực tế và đúng, để tránh các hành vi bạo lực tiếp theo (có thể xảy ra), nhưng đôi khi việc cấm tiếp xúc lại gây ra sự ngăn trở, nếu người có hành vi bạo lực muốn tiếp xúc để xin lỗi, hòa giải hoặc giải quyết hậu quả do hành vi bạo lực gây ra. Một số đại biểu cho rằng, việc đưa người vi phạm ra cộng đồng dân cư để góp ý, phê phán cũng là một biện pháp giáo dục phòng, chống tốt, nhưng cũng nên cân nhắc mức độ như thế nào là phù hợp. Ðại biểu Trương Thị Thu Hằng (Ðồng Nai) đồng tình với quy định trách nhiệm của ngành y tế trong việc tiếp nhận và điều trị kịp thời cho các nạn nhân do hậu quả của bạo lực gia đình, cấp giấy chứng nhận thương tích theo đề nghị của nạn nhân làm căn cứ pháp lý để xử lý sau này. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các biện pháp xử lý hành chính, xử lý theo pháp luật các hành vi bạo lực gia đình (giữa chồng với vợ, cha với con, thành viên trong gia đình với người cao tuổi...) là cần thiết, rất nên coi trọng công tác giáo dục, làm cho mọi người trong xã hội nhận thức đúng về hành vi bạo lực gia đình dẫn đến hậu quả xấu trước hết ở gia đình, sau đó là xã hội, mà từ đó kiềm chế, chủ động phòng ngừa các hành vi bạo lực gia đình.