NDĐT - Quốc hội sáng nay đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 2, QH khóa 12 tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội). Trước giờ khai mạc, các vị đại biểu đã vào Lăng đặt hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến dự phiên khai mạc có các vị: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, ngành; nhiều vị trong đoàn ngoại giao.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, các vị đại biểu QH đã nghe Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đọc lời khai mạc kỳ họp.
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, kỳ họp thứ 2, QH khóa 12 được tiến hành vào thời điểm chuẩn bị kết thúc năm 2007, cả nước đang phấn đấu và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007; nước ta vừa chính thức được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008 - 2009 và QH nước ta được bầu là Thành viên BCH Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).
Nhìn lại những tháng qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức như bão lũ, tai nạn, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; giá dầu thô và một số vật tư chủ yếu trên thế giới tiếp tục tăng cao gây áp lực đến giá đầu vào của các ngành các cấp và dịch vụ trong nước, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự tập trung chỉ đạo điều hành năng động, có hiệu quả của Chính phủ; sự nỗ lực phấn đầu của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển ổn định, đạt mức tăng trưởng chín tháng đầu năm là 8,25% (kế hoạch cả năm là 8,2 đến 8,5%), là mức cao nhất trong 10 năm qua.
Tại Diễn đàn quan trọng này, thay mặt QH, Chủ tịch biểu dương đồng bào, chiến sĩ cả nước, các cấp các ngành trong thời gian qua đã nỗ lực phấn đầu, đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, tạo tiền đề cho sự phát triển trong năm 2008 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu rõ chương trình nghị sự của kỳ họp gồm nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tiếp đó, QH đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế năm 2007 và nhiệm vụ năm 2008.
Báo cáo cho biết: Trên cơ sở tình hình chín tháng đầu năm và dự báo khả năng phát triển của quý IV, có thể đánh giá rằng, các mục tiêu và nhiệm vụ do QH đề ra cho năm 2007 đã và đang được thực hiện khá thuận lợi, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu cả về kinh tế - xã hội và môi trường đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Trong số 23 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2007 chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 21 chỉ tiêu. Có hai chỉ tiêu có thể chưa đạt kế hoạch đề ra là mức giảm tỷ lệ sinh và tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2007; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền nêu rõ, về cơ bản, Ủy ban này nhất trí với báo cáo nói trên của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, tình hình kinh tế-xã hội năm 2007 cũng còn bộc lộ những bất cập, cần phải được phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân để đưa ra những giải pháp khắc phục trong năm 2008.
Đó là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững của nền kinh tế vẫn còn là một vấn đề lớn cần được tập trung nhiều hơn nữa trong chỉ đạo và điều hành. Một số cơ chế, chính sách kinh tế-tài chính đã được ban hành nhưng tác dụng còn hạn chế. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao tác động bất lợi đến sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của đại bộ phận nhân dân. Xuất khẩu tăng, nhưng nhập khẩu tăng cao hơn, nhập siêu lớn. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước có nhiều tiến bộ nhưng cũng còn chậm so với kế hoạch. Các vấn đề xã hội bức xúc, vấn đề ô nhiễm môi trường đã được quan tâm nhưng chưa đạt được kết quả căn bản. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được tăng cường, nhưng kết quả đạt được chưa cao.
Về mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2008, Ủy ban Kinh tế thống nhất cao với mục tiêu kế hoạch của năm 2008 mà Chính phủ đã trình bày, tuy nhiên đề nghị cần phân tích rõ hơn cơ sở để có thể đạt cận trên tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) là 9%, đồng thời kiểm soát được lạm phát ở mức hợp lý. Đặc biệt cần đặt mục tiêu cao hơn và mạnh mẽ hơn về chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Ủy ban Kinh tế đề nghị: Rà soát và cân đối các nguồn lực trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch năm năm 2006-2010 đã hoàn thành trong năm 2007 để bố trí hợp lý nguồn lực tập trung cho các chỉ tiêu còn tiếp tục phải phấn đấu nhằm bảo đảm tính toàn diện và bền vững trong tăng trưởng kinh tế.
Tiếp đó, các đại biểu QH đã nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008, phân bổ ngân sách T.Ư và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSNN năm 2007; phương án dự toán NSNN năm 2008, phân bổ ngân sách T.Ư và Ngân sách địa phương năm 2008. Sau khi đánh giá những mặt tích cực của nền kinh tế thông qua việc thực hiện NSNN năm 2007, báo cáo thẩm tra thẳng thắn chỉ ra kết quả thu ngân sách không cao, chỉ tăng 2,1% so với dự toán, trong đó thu về dầu thô, thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phí xăng dầu chưa đạt, yêu cầu Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, đồng thời cần đánh giá hiệu quả việc giảm thuế một số mặt hàng thời gian qua nhằm chống tăng giá.
Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, việc chống thất thu thuế đã có tiến bộ, nhưng việc trốn thuế, gian lận thương mại, buôn lậu vẫn còn. Về chi NSNN, báo cáo chỉ rõ việc chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên đều tăng, góp phần phát triển kinh tế và quản lý, điều hành kinh tế-xã hội đất nước. Nhưng vẫn còn mọt số tồn tại như: chi quản lý hành chính vẫn tăng; việc giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm, tình trạng nợ xây dựng cơ bản chưa được khắc phục, một số địa phương vẫn còn chi vượt dự toán. Về dự toán NSNN năm 2008, báo cáo chỉ rõ cần thu ngân sách hiệu quả hơn từ dầu thô, thuế XNK, thu nội địa (từ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế), thu từ đất…
Đồng thời, nêu rõ năm 2008, Chính phủ thực hiện việc miễn, giảm một số loại thuế và phí, trong đó, miễn giảm cho khu vực sản xuất nông nghiệp và cho nông dân là quan trọng nhất. Về chi ngân sách, sẽ cơ cấu lại để chi NSNN hợp lý và đạt hiệu quả cao hơn, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi cho cải cách tiền lương, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm soát chặt chẽ việc chi quản lý hành chính. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá trong một số lĩnh vực, thực hiện khoán chi, tiết kiệm chi, tích cực tăng dự phòng cho NSNN, giữ mức bội chi NSNN ở mức hợp lý. Báo cáo thẩm tra cũng nêu ra các mức cụ thể trong việc phân bổ ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, các bộ ngành, các lĩnh vực.
Sau đó, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách cua QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân. Dự án luật thuế này đã được nhân dân và cử tri đóng góp nhiều ý kiến, Ủy ban Thường vụ QH và Ban soạn thảo luật đã tiếp thu, nghiên cứu và cho ý kiến chỉnh lý. QH còn thảo luận ở tổ, ở hội trường về dự án luật và thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân tại kỳ họp này, nhưng có hiệu lực thi hành từ 1-1-2009.
Ngày mai, QH tiếp tục làm việc.
Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 2008
1. Các chỉ tiêu kinh tế
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,5 - 9,0% so với năm 2007; GDP theo giá hiện hành dự kiến khoảng 1.337 - 1.347 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 83 tỷ USD; GDP bình quân theo đầu người khoảng 960 USD. Trong chỉ đạo điều hành, phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP là 9%.
Giá trị tăng thêm của ngành nông lâm ngư nghiệp tăng khoảng 3,5 - 4%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,6 - 11%; ngành dịch vụ tăng khoảng 8,7 - 9,2%.
Tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp trong GDP giảm từ 20% năm 2007 xuống còn 19,3% năm 2008; công nghiệp và xây dựng tăng từ 41,8% lên 42,2%; dịch vụ tăng từ 38,2% lên 38,5%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 57,6 - 58,6 tỷ USD, tăng 20 - 22% so với năm 2007; tổng kim ngạch nhập khẩu 68,4 - 69,5 tỷ USD, tăng 20 - 22%; nhập siêu dự kiến khoảng 10,8 - 10,9 tỷ USD, bằng 18,6 - 18,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 567,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với ước thực hiện năm 2007, bằng 42% GDP.
Tổng thu ngân sách nhà nước 321,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với ước thực hiện năm 2007; tổng chi ngân sách nhà nước 397,38 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2007. Bội chi ngân sách nhà nước bằng 5% GDP.
Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP).
2. Các chỉ tiêu xã hội
Nâng số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở lên 46. Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 13%; trung học chuyên nghiệp tăng 16,5%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 18%.
Duy trì mức giảm tỷ lệ sinh năm 2008 là 0,3%. Dân số 86,3 triệu người.
Tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lượt người lao động, trong đó xuất khẩu lao động 8,5 vạn người. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 11- 12% Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 22%. Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 25,7 giường.
Nâng diện tích nhà ở lên 12 m2 sàn/người.
3. Các chỉ tiêu môi trường
Cung cấp nước sạch cho 75% dân số nông thôn và cho 85% dân số đô thị.
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 60%.
Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: 80%. Tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại: 64%. Tỷ lệ xử lý chất thải y tế: 86%.
Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: 60%.
Tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2008 đạt 40%.