Cần quy định chế tài với cơ quan, cá nhân chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát

22/11/2024

Chiều 22/11, thảo luận tại Tổ 3 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về chế tài đối với các cơ quan, cá nhân chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND.

Cân nhắc lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá

Quang cảnh Phiên thảo luận

Tổ 3 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Nghệ An, Quảng Ngãi và Bắc Giang. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn, Tổ phó Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 3 Điều: Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HĐGS (gồm 51 khoản); Điều 2 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan (gồm 2 khoản); Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành của Luật.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.

Cân nhắc bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện Luật Hoạt động giám sát hiện hành để đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật này.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đi sâu vào nội dung bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” trong các văn bản dự thảo, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cân nhắc việc quy định nội dung này là một nguyên tắc của hoạt động giám sát bởi: (i) Nguyên tắc của hoạt động giám sát phải là những tư tưởng chủ đạo, yêu cầu cơ bản có tính định hướng, chi phối, xuyên suốt các hoạt động giám sát mà mọi chủ thể phải tuân theo khi tiến hành hoạt động giám sát, đồng thời cần phân biệt, không trùng lặp với mục đích giám sát. Đối chiếu với yêu cầu trên, có thể nhận thấy, việc bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương thực chất là một trong những mục tiêu hướng đến của hoạt động giám sát, thường gắn với kết quả của hoạt động giám sát và không phải tất cả các hoạt động giám sát đều đáp ứng được mục tiêu trên; (ii) Quy định nội dung này như một nguyên tắc tại Điều 3 là chưa tương thích và đồng bộ với nội dung của các nguyên tắc khác đang được quy định tại Điều này; đồng thời cũng chưa phù hợp với nội hàm của khái niệm giám sát được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Hoạt động giám sát.

Các đại biểu dự Phiên thảo luận

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, trong trường hợp vẫn bổ sung nội dung nêu trên là một nguyên tắc của hoạt động giám sát, các quy định có liên quan của Luật cần phải bổ sung làm rõ phương thức thực hiện, bảo đảm áp dụng khả thi trong thực tiễn như: (i) yêu cầu bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật được thể hiện trong từng hình thức giám sát cụ thể như thế nào; (ii) nội dung kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền cần được thể hiện như thế nào để phù hợp với nguyên tắc này... mà không chỉ quy định chung là “gắn với quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” như tại khoản 1a Điều 12, khoản 1a Điều 23, khoản 1a Điều 38…

Cần quy định chế tài cụ thể đối với các cơ quan, cá nhân chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát

Đề cập về giải pháp bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (khoản 50 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 89 của Luật HĐGS), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, các giải pháp được bổ sung cơ bản kế thừa quy định hiện hành tại khoản 1 Điều 89 của Luật Hoạt động giám sát. Trong khi đó, việc có cơ chế hiệu quả để bảo đảm thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị giám sát là một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và cử tri quan tâm nhất hiện nay nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp (mới) thực sự hiệu quả để tăng cường theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Cùng quan tâm đến quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (Điều 89 Luật HĐGS hiện hành), đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi quy định cụ thể về chế tài đối với các cơ quan, cá nhân chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND. Đồng thời quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải trả lời các kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Không nên quy định cứng số lượng ĐBQH tham gia Đoàn giám sát

Liên quan đến quy định về Đoàn ĐBQH giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương (Điều 52 Luật hiện hành), đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị không nên quy định cứng về số ĐBQH tối thiểu để thành lập Đoàn giám sát như Luật hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. 

Phân tích rõ hơn về nội dung khoản 1 Điều 52 của Luật HĐGS quy định Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH phải có ít nhất 3 ĐBQH là thành viên Đoàn giám sát tham gia, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dẫn chứng từ thực tiễn hoạt động giám sát. Theo đó, quy định có ít nhất 3 ĐBQH tham gia Đoàn giám sát là khó khả thi vì phần lớn ĐBQH đều là các đại biểu kiêm nhiệm, việc tham gia Đoàn giám sát có thể không đảm bảo do trùng lịch công tác. Vì vậy, cần nghiên cứu quy định rõ nội dung này để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, hoạt động giám sát kiến nghị của cử tri chưa được quy định trong Luật HĐGS và dự thảo Luật sửa đổi lần này. Vì vậy, để Đoàn ĐBQH ở địa phương nâng cao trách nhiệm của đại biểu đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung về thẩm quyền của Đoàn ĐBQH trong tiến hành giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến ĐBQH thuộc thẩm quyền giải quyết ở địa phương.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn, Tổ phó Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu dự Phiên thảo luận

Đại biểu Phạm Phú Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Các đại biểu dự Phiên thảo luận

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn phát biểu kết luận Phiên thảo luận ở Tổ 3.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức