THẢO LUẬN TỔ 14: CẨN TRỌNG, KHOA HỌC, CÔNG BẰNG VÀ HIỆU QUẢ TRONG CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

25/06/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 25/6, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo cẩn trọng, khoa học, công bằng và hiệu quả trong cải cách tiền lương.

THẢO LUẬN TỔ 14: CẦN SỚM GIẢI QUYẾT CÁC BẤT CẬP CỦA QUY HOẠCH HIỆN NAY

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.

Trong Báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội với quan điểm bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước; bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực để thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và các Nghị quyết của Đảng có liên quan.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong tại phiên họp

Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm 913 nghìn tỷ đồng. Do đó, Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của chính sách đến dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Kế hoạch Tài chính - Ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026 và bổ sung thông tin đầy đủ về 5 nguồn kinh phí thực hiện tiền lương tới hết năm 2026, quy định và hướng dẫn rõ trong triển khai thực hiện như Kết luận số 83-KL/TW đã nêu; đánh giá tác động về ngân sách nhà nước, dự báo nguồn lực và những phát sinh cho những năm tiếp theo sau năm 2026.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội tán thành việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh lương này sẽ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực và hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần bố trí nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; có các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác để đảm bảo ý nghĩa to lớn của việc tăng lương tới đời sống của người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc áp dụng mức lương theo vị trí việc làm mới tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mức lương của một số đối tượng nhân viên thấp hơn so với mức lương hiện hữu. Do đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh bảng lương một cách hợp lý, cẩn trọng, khoa học, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức. Đại biểu cũng cho biết, theo định hướng, mỗi loại chức vụ tương đương chỉ quy định một mức lương, để đảm bảo tính thứ bậc trong hệ thống chính trị, điều này dẫn đến việc một số người làm việc lâu năm sẽ có mức lương giảm đi nếu theo cách tính lương mới, dẫn đến nhiều vấn đề bất cập, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ và có điều chỉnh phù hợp.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế thấy rằng tình thế đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP – là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này. Tuy nhiên, Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh Chương trình Kỳ họp và cho ý kiến đối với nội dung này.

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của Tổng công ty; đồng thời rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.

Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tham gia ý kiến

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự thảo Nghị quyết hiện đang quy định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 05 năm (bao gồm 02 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14)."

Đại biểu cho rằng, văn bản hiện tại chưa được trình bày rõ ràng, thiếu nhất quán và cần được chỉnh sửa để đảm bảo tính súc tích và dễ hiểu. Cụ thể, cần nêu rõ thẩm quyền gia hạn vốn cho Ngân hàng Nhà nước, bao gồm số lần gia hạn cụ thể và thời gian cho mỗi lần. Đề xuất gia hạn thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn vốn cho tổ chức tín dụng tối đa 3 lần, có giới hạn thời gian cụ thể với mỗi lần gia hạn, qua đó giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong việc điều chỉnh chính sách gia hạn vốn, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong điều hành phiên thảo luận

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp./.

Hồ Hương - Phạm Thắng