THẢO LUẬN TỔ 3: GIAO THẨM QUYỀN CÔNG NHẬN KẾT QUẢ THĂM DÒ KHOÁNG SẢN CHO BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG LÀ PHÙ HỢP

20/06/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 20/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Đa số ý kiến tại Tổ 3 cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản. Đồng thời đề nghị giao thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là phù hợp.

THẢO LUẬN TỔ 3: ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT TRONG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA 04 LUẬT

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Tổ 3 bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010, tăng 01 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua).

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.

Cân nhắc bổ sung trường hợp vi phạm hình sự trong lĩnh vực khoáng sản

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, đại biểu Trần Nhật Minh quan tâm đến các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật. Đại biểu nhận thấy, tại khoản 8 Điều này quy định còn chung chung, không cụ thể, đề nghị bỏ khoản 8 Điều 10. Đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các quy định của pháp luật để bổ sung đầy đủ, chi tiết các hành vi cấm trong hoạt động địa chất và khoáng sản.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Về quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được quy định tại Điều 35 của dự thảo, đại biểu Trần Nhật Minh băn khoăn, tại khoản 3 Điều này chưa tính đến trường hợp chủ đầu tư khai thác trái phép khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia mà gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác thì có phải bồi thường thiệt hại hay không? Hoặc trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà hành vi vi phạm đó cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có phải truy cứu trách nhiệm hay không?

Đại biểu Trần Nhật Minh nhận thấy, dự thảo Luật mới chỉ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, còn trường hợp vi phạm hình sự có bị truy cứu hay không thì hiện Luật chưa đưa ra trường hợp này. Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát để quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật về vấn đề này.

Giao thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản cho Bộ TNMT là phù hợp

Cho rằng địa chất và khoáng sản có mối quan hệ mật thiết với nhau, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với việc ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản.

Liên quan đến thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò, khai thác khoáng sản (Điều 53), đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật đã quy định thống nhất thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản chuyển giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chịu trách nhiệm. Trước đây thẩm quyền này thuộc về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, trên cơ sở kết quả của Hội đồng thì Bộ TNMT mới trình Thủ tướng Chính phủ. Còn hiện theo quy định của dự thảo Luật không còn Hội đồng nữa. Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, quy định như vậy là phù hợp, vì đã giao Bộ TNMT chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về hoạt động quản lý khoáng sản, do đó cũng nên chịu trách nhiệm về việc thẩm định, công nhận kết quả thăm dò khoáng sản. Vấn đề này cũng liên quan đến trách nhiệm quản lý cấp phép, phê duyệt các đề án thăm dò khoáng sản hiện nay. Vì vậy, đại biểu thấy rằng, so với luật cũ, quy định như dự thảo Luật (bỏ Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia) là phù hợp.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 102), đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 loại ý kiến, đại biểu đồng tình với loại ý kiến thứ nhất. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện, do đó nhà đầu tư phải trả một khoản tiền để được thực hiện quyền khai thác. Cơ sở pháp lý của việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, thu thuế tài nguyên được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 121 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế; Luật Tài nguyên nước cũng quy định về hai khoản thu này đối với tài nguyên nước. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, tiền cấp quyền khai thác đã được quy định tại Điều 77 Luật Khoáng sản hiện hành và trong thời gian qua, NSNN đã thu được số tiền lớn. Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, việc tiếp tục thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là phù hợp.

Cùng quan tâm đến thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản (Điều 53), đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Thái Thị An Chung và cho rằng, nên bỏ Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia. Và giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho Bộ TNMT về thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản là chính xác.

Xem xét, điều chỉnh chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản

Đề cập về chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản được quy định tại Điều 4 của dự thảo, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cơ bản nhất trí với dự thảo Luật về khoản 4, khoản 8 của Điều này. Theo đó, khoản 4 quy định “Nhà nước dành một phần kinh phí từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản”. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định rõ “một phần” là như thế nào, vì mặc dù Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng các khoáng sản đó lại nằm ở địa phương và người dân ở địa phương đó cũng bị ảnh hướng…

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét kỹ và điều chỉnh lại khoản 8 Điều 4 và điểm a khoản 1 Điều 9 quy định về quyền lợi của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác. Vì thời gian qua các địa phương mong muốn hỗ trợ điều tiết với tỉ lệ phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề rủi ro về môi trường và hậu khai thác khoáng sản. Đồng thời điểm a khoản 1 Điều 9 cần bổ sung thêm cụm từ “và an sinh xã hội”.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, đây là điều khoản mới của dự thảo Luật, quy định như vậy rất hợp lòng dân. Vì hầu hết các khu vực khoáng sản đều nằm ở miền núi và người dân ở khu vực này đều chiếm tỉ lệ hộ nghèo rất cao, nguồn thu ngân sách của các địa phương này cũng rất thấp, thu không bù đủ chi cho các khoản phát sinh trên địa bàn. Do đó, đại biểu đồng tình với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật: Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn 

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác