ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC KHẢO SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TẠI HUYỆN TAM ĐẢO
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ảnh: Khánh Linh
Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Sau 6 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, luật đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với một số luật có liên quan mới được sửa đổi, ban hành.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá, khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất phù hợp với thực tiễn và hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Góp ý tham gia dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, một số quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành còn hạn chế, gây khó khăn cho việc thu hút, phát triển đấu giá viên; chưa có quy định về bồi dưỡng bắt buộc hằng năm đối với đấu giá viên trong khi nghề nghiệp này liên quan trực tiếp đến xử lý tài sản, đòi hỏi đấu giá viên cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật chuyên ngành, kỹ năng hành nghề.
Do vậy, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hằng năm đối với đội ngũ đấu giá viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề.
Với quy định người được miễn đào tạo nghề đấu giá, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá gồm tiến sĩ luật, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trở lên trong lĩnh vực pháp luật. Đồng thời, bổ sung quy định giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng cụ thể như luật sư, công chứng viên, thừa phát lại đã hành nghề một thời gian nhất định, người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên thay thế việc miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành.
Các đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh thời hạn xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá cho phù hợp; xem xét, bổ sung quy định thời hạn xét duyệt điều kiện người tham gia đấu giá trong trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn; bổ sung quy định về các vấn đề phát sinh khi tạm dừng tổ chức đấu giá và xử lý đối với tiền đặt trước trong thời gian này, trình tự thủ tục của việc tiếp tục tổ chức đấu giá trong các trường hợp tạm dừng khi chưa hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và trường hợp tạm dừng khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá.
Các đại biểu đã cho ý kiến, đề nghị bổ sung quy định một số nội dung chưa quy định cụ thể trong Luật Đấu giá tài sản gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật về đấu giá tài sản trên thực tế như bổ sung quy định về thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá khi vi phạm điều cấm quy định tại Nghị định số 62 của Chính phủ; bổ sung trách nhiệm của tổ chức bán đấu giá tài sản trong việc bàn giao tài sản; bổ sung quy định về bàn giao, lưu trữ hồ sơ khi tổ chức đấu giá chấm dứt hoạt động…
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh khẳng định các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung theo quy định.