ĐOÀN ĐBQH THỪA THIÊN HUẾ GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI Tp.HUẾ

16/12/2022

Ngày 15/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách tiến hành giám việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Tp.Huế.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI HUYỆN NAM ĐÔNG

Trường Tiểu học Quang Trung, Tp.Huế là một trong những đơn vị đoàn giám sát chọn làm việc. Theo báo cáo của nhà trường, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới tích cực, chương trình tổng thể và chi tiết môn học đảm bảo tính liên thông, tinh giản kiến thức hàn lâm, tăng tính thực hành cho học sinh. Nội dung chương trình thể hiện qua sách giáo khoa được sắp xếp, trình bày hợp lý.


Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với lãnh đạo thành phố Huế về chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động dạy và học theo chương trình mới cũng đặt ra nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Bộ môn công nghệ của chương trình lớp 3 chưa được đào tạo nên trường phải bố trí giáo viên Tin học để dạy Công nghệ. Thiết bị dạy học cho các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được trang cấp kịp thời, phòng tin học máy tính hư hỏng chưa đảm bảo yêu cầu 1 học sinh/máy.

“Trong giai đoạn trước, thời điểm tập huấn diễn ra vào đúng lúc dịch bệnh, nội dung tập huấn cho giáo viên chủ yếu là giới thiệu sách chứ chưa tập trung vào phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, việc cơ sở vật chất chưa đảm bảo cũng là khó khăn của nhà trường trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018”, thầy giáo Nguyễn Thế Sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho biết.

Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường học trên địa bàn thành phố Huế đã đổi mới công tác quản trị, năng lực tự chủ của tổ giáo viên, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả phù hợp với thực tiễn. Khó khăn lớn nhất trong công tác dạy học chính là thành phố Huế đang thiếu hơn 200 chỉ tiêu giáo viên. Với yêu cầu của chương trình mới, một số trường Tiểu học dự kiến không đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.


Trường Tiểu học Quang Trung, Tp.Huế hiện chưa đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đại diện lãnh đạo Tp.Huế kiến nghị việc lựa chọn sách giáo khoa nên thống nhất 1 đơn vị đầu mối. Bên cạnh đó, kiến nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư dành nguồn lực cho hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới.

Tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, vai trò của giáo viên rất quan trọng trong quá trình đổi mới, trong đó phải sáng tạo và đa dạng phương thức giảng dạy để học sinh thật sự nắm bắt. Đối với một địa phương đặc thù như Huế cần linh hoạt kết hợp chương trình giáo dục di sản, văn hóa để học sinh trải nghiệm. Bên cạnh đó, thành phố cần rà soát nguồn lực để có kiến nghị tổng thể về đầu tư cơ sở vật chất, cũng như việc tuyển dụng, tránh lãng phí, dàn trải trong quá trình đầu tư./.

Tiểu Bảo