ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Lãnh đạo huyện Nam Đông báo cáo đến đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Đông, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, huyện đã lựa chọn sách giáo khoa đúng quy trình, quy định; cung ứng sách đầy đủ, kịp thời, đảm bảo cho việc học tập và giảng dạy.
Học sinh được tiếp cận với chương trình mới, SGK mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu chương trình, chất lượng giáo dục được nâng lên. Đảm bảo 100% học sinh đủ sách để học, giáo viên đủ sách để dạy.
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7 đến nay bước đầu ghi nhận tín hiệu tốt khi học sinh hứng thú tham gia học tập, phụ huynh chia sẻ, đồng thuận.
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã tập trung làm rõ một số nội dung: Chương trình GDPT 2018 có phù hợp với những nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hay không; cơ cấu trường, lớp, giáo viên của chương trình mới có phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của huyện hay không; SGK lớp 1 có những bộ sách đã được điều chỉnh, thay đổi so với trước đây không; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên của huyện đến nay đạt được gì; hoạt động trải nghiệm của các trường theo chương trình mới…
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Thị Sửu đánh giá, là huyện miền núi có diện tích khá lớn và có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì vậy Nam Đông có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác triển khai chương trình GDPT. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, huyện đã từng bước làm tốt công tác triển khai chương trình GDPT 2018, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy chương trình mới.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Thị Sửu đề nghị, lãnh đạo huyện và ngành giáo dục tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đổi mới chương trình, SGK như: đầu tư thiết bị, cơ sở, xây dựng phòng chức năng, hệ thống sân tập phát triển thể chất cho học sinh; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới, có chính sách hỗ trợ giáo viên tăng thêm thu nhập để ổn định công tác. Ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ học sinh khó khăn, hộ nghèo.