THẢO LUẬN TỔ 7: ĐỀ NGHỊ CHƯA LUẬT HÓA CHẾ ĐỊNH VỀ LIÊN ĐOÀN HỢP TÁC XÃ

01/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 01/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); dự án Luật Phòng thủ dân sự. Thảo luận tại Tổ 7, các đại biểu đều tán thành cao sự cần thiết phải ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời đề nghị chưa luật hóa chế định về liên đoàn Hợp tác xã trong dự thảo luật.

THẢO LUẬN TỔ 7: CẦN BỔ SUNG, LÀM RÕ CÁC ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO TRONG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

THẢO LUẬN TẠI TỔ 7: KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022 LÀ NỖ LỰC CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Toàn cảnh phiên họp tại tổ 7

Tại Tổ 7 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp, do Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy điều hành nội dung thảo luận.

Cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là cần thiết, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. 

Góp ý vào quy định cụ thể tại dự thảo, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tán thành với đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc đổi tên dự luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Theo đại biểu, việc đổi tên là phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật. Đây là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 7

Bên cạnh đó đại biểu cũng đề nghị: Giải thích rõ thuật ngữ “hợp tác xã siêu nhỏ”; Cân nhắc quy định về Quỹ Hợp tác xã (làm rõ nguồn hình thành Quỹ, cơ chế vận hành, vai trò/chức năng của Quỹ tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân); Chưa luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật;…

Đồng tình việc sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc thành lập Liên đoàn Hợp tác xã là chưa đủ căn cứ cả về mặt chính trị, pháp lý và thực tiễn. Đại biểu tỉnh Quảng Nam, đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật; việc luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã sẽ được xem xét, điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Ngoài ra, đại biểu Phan Thái Bình cũng bày tỏ quan điểm nên giữ nguyên tên gọi của dự luật như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Rà soát quy định về Tổ hợp tác;...

Góp ý vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Khang Thị  Mào, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tán thành với đề xuất đổi tên luật sửa đổi thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Nhất trí với các điều, khoản đề cập trong dự thảo Luật, tuy nhiên đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn các chính sách đặc thù, chính sách tiếp cận vốn, chính sách hỗ trợ đất đai cho các tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đại bàn đông thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo,…

Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến về việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ-TW; về mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; về tổ chức đại diện, Liên minh HTX; về tài sản, tài chính của HTX; kiểm toán HTX;…

Cũng tại phiên thảo luận Tổ 7, các đại biểu còn cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh, ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự”. Do đó, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là vô cùng cần thiết, tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; về xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; Cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; Về Quỹ phòng thủ dân sự;…

Một số ý kiến đại biểu đề nghị, cần làm rõ hơn tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm và tính chất đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; Rà soát để quy định rõ hơn về lực lượng phòng thủ dân sự và luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định, tránh giao Chính phủ quy định chi tiết nhiều nội dung;…

Một số hình ảnh tại buổi thảo luận tại Tổ 7 chiều 01/11:

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 7 về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại tổi 7.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng nam phát biểu. 

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu. 

Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp góp ý tại phiên thảo luận.

Thảo luận tại Tổ 7, các đại biểu đều tán thành cao sự cần thiết phải ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời đề nghị chưa luật hóa chế định về liên đoàn Hợp tác xã trong dự thảo luật.

Lê Anh - Trọng Quỳnh