Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022
Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên cho biết, kết quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Để đạt được những kết quả đó, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp, tổ chức các hoạt động giám sát một cách thiết thực, hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh.
Trong năm 2021, HĐND tỉnh Điện Biên giám sát 02 chuyên đề về: “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020” và “Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XIV về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”. Giám sát đã góp phần nâng cao trách nhiệm của UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức hữu quan, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao chất lượng công tác xây dựng nông thôn mới, lập kế hoạch đầu tư công hàng năm; tăng cường kiểm tra, quản lý dự án đầu tư công, xây dựng cơ bản, quyết toán dự án hoàn thành; ưu tiên bố trí đủ vốn cho những công trình, dự án đã hoàn thành còn thiếu vốn, các dự án hoàn thành trong giai đoạn, để nhanh chóng đưa các công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Ngoài các cuộc giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các kiến nghị sau giám sát; chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, giám sát, khảo sát nắm tình hình việc ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với UBND tỉnh và HĐND cấp huyện; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH, thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và một số chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Kỳ họp HĐND tỉnh Điện Biên
Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, theo Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên điều đầu tiên là xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hợp lý. Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên cho rằng, đây là khâu quan trọng của quy trình giám sát, trong đó, việc lựa chọn nội dung, chuyên đề giám sát là khâu then chốt, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Thực tế, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến đời sống của người dân và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; những vấn đề bức xúc, nổi cộm được Nhân dân và đại biểu HĐND quan tâm. Trong quá trình xây dựng chương trình giám sát chủ động phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cung cấp thông tin cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy để thống nhất các chuyên đề giám sát, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động giám sát của HĐND với công tác kiểm tra của Đảng.
Thứ hai, Đổi mới phương pháp tiến hành giám sát. Theo đó, tích cực đổi mới phương pháp giám sát theo hướng thực chất và hiệu quả; tổ chức Đoàn giám sát tinh gọn, chất lượng, chia thành các tổ, nhóm để tiến hành giám sát. Việc tổ chức giám sát được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như giám sát thông qua báo cáo, giám sát trực tiếp tại cơ sở, tổ chức đi khảo sát thực tế, gặp gỡ nắm thông tin từ người dân trên địa bàn, các đối tượng được thụ hưởng chính sách, tổ chức các buổi làm việc để làm rõ vấn đề...; phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh và HĐND cấp huyện trong quá trình tổ chức các hoạt động giám sát tại địa phương.
Thứ ba, Theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Xác định đây là nội dung quan trọng, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ban HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh; phân công các Ban HĐND tỉnh tăng cường theo dõi nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết về kết quả giám sát của HĐND tỉnh, theo đến cùng việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát để thông tin kịp thời đến cử tri và Nhân dân; đồng thời xem xét thực hiện tái giám sát (khi cần thiết), hoặc làm cơ sở để đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND, yêu cầu giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND nếu đối tượng chịu sự giám sát chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hoàn thành, chưa đảm bảo theo tiến độ, thời gian đã cam kết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.
Kỳ họp HĐND tỉnh Điện Biên
Thứ tư: Nâng cao năng lực hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh và bộ máy tham mưu giúp việc cho HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Tập trung bồi dưỡng cho đại biểu, nhất là những đại biểu mới tham gia lần đầu những kiến thức, kỹ năng cơ bản để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ tham mưu, giúp việc là Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; kết hơn giữa việc phân công, phân nhiệm cụ thể, nhưng có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên cũng cho biết hoạt động giám sát của HĐND tỉnh vẫn còn một số hạn chế bất cập: Các cuộc giám sát chủ yếu do Thường trực HĐND, các Ban HĐND tổ chức; các Tổ đại biểu chưa thực hiện giám sát; việc giải quyết, trả lời kiến nghị sau giám sát có việc chưa dứt điểm, chưa rõ nguyên nhân, trách nhiệm, không xác định biện pháp giải quyết cụ thể.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên được Thường trực HĐND tỉnh xác định là trách nhiệm của một số Sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết kiến nghị sau giám sát chưa cao; việc giải quyết một số kiến nghị sau giám sát cần có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và kinh phí, thời gian giải quyết; một số kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung chính sách, tỉnh phải kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết nên không xác định cụ thể được thời hạn giải quyết; cơ chế hoạt động giám sát, nhất là giám sát của Tổ đại biểu HĐND chưa có quy định cụ thể nên khó khăn trong việc thực hiện giám sát.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, các cơ quan của HĐND tỉnh trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu của UBTVQH tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về kỹ năng hoạt động giám sát thuộc các lĩnh vực khác nhau nhằm giúp nâng cao nhận thức, năng lực giám sát cho đại biểu HĐND và đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND./.