BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TỈNH ĐẮK LẮK VỀ HỖ TRỢ HỌC SINH KHU VỰC TÂY NGUYÊN HỌC TRỰC TUYẾN

24/02/2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk về việc hỗ trợ học sinh khu vực Tây Nguyên khi học trực tuyến vì nhiều gia đình không có điều kiện để trang bị cho con những phương tiện học tập, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vững điều kiện kinh tế khó khăn.


Nội dung kiến nghị nêu rõ: Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, quan tâm có chính sách đặc thù hỗ trợ học sinh, sinh viên nhất là vùng Tây Nguyên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì do ảnh hướng của dịch bệnh Covid-19 nên một số trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không thể tổ chức giảng dạy trực tiếp tại trường học mà phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Mặc dù rất cố gắng nhưng những bất cập trong công tác dạy và học trực tuyến vẫn còn tồn tại, chưa thể khắc phục được, như: Đường truyền Internet không ổn định, nhiều gia đình không có điều kiện để trang bị cho con những phương tiện học tập, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vững điều kiện kinh tế khó khăn.

Trả lời cử tri thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các chính sách đặc thù hiện nay của nhà nước nhằm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các tỉnh có điều kiện về kinh tế- xã hội với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần hỗ trợ thiết thực vào nâng cao tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính cho trẻ em, học sinh, sinh viên ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như:

- Chính sách miễn giảm học phí tại Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trong đó quy định giữ nguyên mức thu học phí năm học 2021 2022 như năm học 2020-2021; đồng thời bổ sung quy định các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, như: miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông thuộc hộ nghèo và học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc hộ nghèo; miễn học phí cho trẻ mầm non 05 tuổi ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; miễn học phi học sinh trung học cơ sở ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn từ năm học 2022 2023;  giảm 70% học phí cho trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; giảm 50% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo;  hỗ trợ chi phí học tập ở mức 150.000 đồng/học sinh tháng cho trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập.


Một giờ học của học sinh trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: TTXVN).

- Chính sách học bổng tại Nghị định số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, trong đó quy định học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường Dự bị đại học, sinh viên theo chế độ cử tuyển được hưởng học bổng bằng 80% mức lương cơ sở/tháng theo quy định.

- Chính sách hỗ trợ học tập cho trẻ em độ tuổi mẫu giáo ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Học sinh bán trú cấp tiểu học, trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhà ở xa trường, được hỗ trợ tiền ăn (40% mức lương tối thiểu chung) và tiền nhà ở (10% mức lương tối thiểu chung), hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông xã, thôn đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu cho sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học theo quy định tại Quyết định số 64/2013/QĐ-TTg nguy 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.

- Trợ cấp xã hội: 140.000 đồng/tháng cho học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn tập trung theo quy định tại Quyết định số 12/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập; Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc thiểu số rất ít người, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người. Theo đó, hỗ trợ học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên 16 dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) học tại các cơ ở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trung học cơ ở, trung học phổ thông, trường Phổ thông dân tộc bán trú, trường Phổ thông dân tộc nội trú, tùy từng đối tượng, được hưởng chính sách hỗ trợ về học tập hằng tháng từ 30% đến 100% mức lương tối thiểu chung,

Về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007, về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, trong đó áp dụng quy định chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại các trường bao gồm: tiền học phí, chi phí mua sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại. Hiện nay, theo Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức vay đối với học sinh, sinh viên, mức cho vay tối đa là 2,5 triệu/đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng xong dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Dự thảo Quyết định đang dự kiến nâng mức cho vay học sinh, sinh viên tối đa lên 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng xong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc học trực tuyến kéo dài

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học trực tuyến, trong đó hướng dẫn địa phương chủ động linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình; tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy học trực tuyến; duy trì dạy học trực tuyến, dạy học trên tuyên hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp (Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH ngày 21/10/2021 về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập).

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Chỉ đạo cho các địa phương triển khai đại trà tập huẩn tăng cường năng lực dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao năng lực và khả năng thích ứng với điều kiện dạy học góp phần vào chuyển đổi số trong giáo dục. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục Xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và dạy học trực tiếp linh hoạt theo diễn biến dịch của địa phương; chủ động chuyển đổi thời khóa biểu giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến đảm bảo học sinh không dành thời gian quá nhiều trước màn hình máy tính điện thoại, tận dụng gian vàng học sinh đến lớp để dạy học trực tiếp, ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh đã được học trực tuyến hoặc học tập thông qua phát tài liệu khi giãn cách. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình để phát sóng các video bài giảng hỗ trợ việc dạy học trực tiếp, và dạy học trực tuyến.

Về huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến cho học sinh: Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em" để hỗ trợ sóng và máy tính cho học sinh học trực tuyến. Đến nay, ngành Thông tin và Truyền thông đã phủ sóng được gần 1000 điểm lõm sóng trên toàn quốc tập trung vào các địa phương bị ảnh hưởng lớn của dịch phải dạy và học trực tuyến, dự kiến sẽ phủ sóng tất cả điềm lõm sóng còn lại trong thời gian tới; Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ 1.000.600 máy tính, kèm theo đó là trên 01 triệu SIM di động miễn phí data trong 03 tháng của các doanh nghiệp viễn thông được giao kèm với máy để hỗ trợ việc dạy và học trực tuyên của Chương trình, đến hết tháng 11/2021 sẽ giao được trên 100.000 máy kèm theo SIM và gói cước data hỗ trợ. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành văn bản số 3961/BGDĐT-CĐN ngày 10/9/2021 vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành GDĐT quyên góp mỗi người 1 ngày thu nhập ủng hộ Chương trình "Máy tính cho em". Theo báo cáo các địa phương, đến ngày 25/10/2021, ngành Giáo dục đã huy động được 142,43 tỷ đồng, 28.477 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tiếp tục huy động đóng góp của các tổ chức cá nhân, và phối hợp với các nhà tài trợ để làm thủ tục tiếp nhận, điều phối máy tính cho các địa phương để hỗ trợ cho học sinh theo đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 với mục tiêu đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ trong phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và Đào tạo, hình thành nền tăng số cho xã hội học tập tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thập cho người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước./.

Bích Lan