Tham dự buổi làm việc, gồm có: Ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; các thành viên đoàn giám sát: ông K’ Nhiễu – Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; bà Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, sở, ngành của tỉnh.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh Lâm Đồng không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp, chỉ có 06 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp tại 03 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương với quyết tâm cao; khẩn trương vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân, đa số đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tập trung được sự lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý kịp thời; qua đó công tác sắp xếp đơn vị hành chính đã được triển khai đảm bảo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch; công tác rà soát, đánh giá thực trạng, lựa chọn phương án sắp xếp, đặt tên đơn vị hành chính mới được triển khai đồng bộ gắn với tình hình thực tế, văn hóa, lịch sử, nhờ đó lộ trình thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo về mặt thời gian. Trụ sở làm việc sau sắp xếp, sáp nhập đã được bố trí hợp lý như: Dùng làm cơ sở giáo dục; cơ sở cách ly y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19; trụ sở công an xã…
Tuy nhiên, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sẽ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nên không thể tránh khỏi tâm tư, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của từng cá nhân. Việc thực hiện chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính liên quan đến các đơn vị hành chính cấp xã mới được sắp xếp, sáp nhập (theo Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) vẫn chưa được triển khai, một phần cũng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo báo cáo, Sở Nội vụ đã xin chủ trương dời việc thực hiện vào năm 2022 và đã được UBND tỉnh thống nhất tại Văn bản số 228/TB-UBND ngày 29/9/2021.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát nhận định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã góp phần tinh gọn bộ máy, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cơ sở, giảm đầu mối hành chính các cấp; giảm số lượng cơ quan, tổ chức, biên chế cán bộ, công chức; giảm chi thường xuyên. Sau khi được thành lập, nguồn vốn đầu tư cho huyện, xã mới sẽ được tập trung, hiệu quả hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế… được đầu tư và nâng cấp đồng bộ, đảm bảo đời sống tinh thần của người dân.
Các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng làm rõ một số vấn đề như: chế độ, chính sách đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách dôi dư; việc tạo điều kiện cho người dân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản dôi dư sau khi sắp xếp ở tỉnh Lâm Đồng…

ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp thu và thông tin về một số vấn đề đoàn giám sát quan tâm. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã góp phần giảm đầu mối theo hướng tinh gọn, tiết kiệm nguồn lực ngân sách, giảm số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, việc tiến hành sắp xếp, sáp nhập để giảm đơn vị hành chính là rất phức tạp; ở một số đơn vị sau khi sáp nhập vẫn chưa đạt 100% cả hai tiêu chuẩn và địa phương không thể nhập thêm đơn vị hành chính thứ 3 liền kề. Kiến nghị cần nghiên cứu các tiêu chí sắp xếp (diện tích tự nhiên, quy mô dân số, trình độ phát triển và các tiêu chí khác), có biên độ cụ thể (như diện tích tự nhiên từ bao nhiêu đến bao nhiêu, quy mô dân số từ bao nhiêu đến bao nhiêu) và tổng số từng tiêu chí để tạo sự chủ động, linh hoạt của địa phương trong quá trình sắp xếp.
Phát biểu kết luận tại phiên họp giám sát, ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lâm Đồng, Phó Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, thành lập Tổ giúp việc để tham mưu, hướng dẫn, hỗ trợ UBND các huyện xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lâm Đồng, Phó Trưởng Đoàn giám sát
Qua kết quả rà soát, đánh giá trên địa bàn tỉnh không có đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 50% cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; đối với cấp xã có 06 đơn vị hành chính chưa đạt 50% về cả 02 tiêu chuẩn, gồm: xã Nam Ninh, xã Mỹ Lâm, xã Tư Nghĩa và xã Quãng Ngãi thuộc huyện Cát Tiên; xã Hà Đông và xã Hương Lâm thuộc huyện Đạ Tẻh. 01 đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích là xã Đạ M’ri thuộc huyện Đạ Huoai.
Với yêu cầu thời gian thực hiện gấp rút với tiến độ khẩn trương (từ tháng 02 đến tháng 8 năm 2019), khối lượng công việc rất lớn, có nội dung phải chờ hướng dẫn của Trung ương, hệ thống chính trị phải tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân, nhưng công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đã được triển khai thực hiện đảm bảo thời gian, đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch, đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng nói chung và của 03 huyện phía Nam nói riêng.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Đoàn giám sát ghi nhận và có kiến nghị kịp thời với Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để có sửa đổi, bổ sung các quy định trong thời gian tới để triển khai thực hiện đồng bộ hơn, đảm bảo nguồn kinh phí để các địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính; giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng dôi dư; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập; sửa chữa, sử dụng hiệu quả các trụ sở làm việc…/.