
Toàn cảnh buổi giám sát
Tham dự buổi làm việc có Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn giám sát; đại biểu Quốc hội K'Nhiễu cđại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, sở, ngành của tỉnh và đại diện 03 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tham gia tại 03 điểm cầu.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo 03 huyện Đạ Hoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021. Theo đó, trước khi sáp nhập, huyện Đạ Huoai có 02 thị trấn và 08 xã. Sau khi sáp nhập xã Đạ M’ri vào thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai có 09 đơn vị hành chính cấp xã gồm 02 thị trấn và 07 xã. Ủy ban nhân dân huyện Đạ Huoai đã hoàn chỉnh hồ sơ Đề án sắp xếp xã Đạ M’ri vào thị trấn Đạ M’ri gửi Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhằm đảm bảo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH14, huyện đã chủ động triển khai kịp thời gian và tiến độ để UBND thị trấn Đạ M’ri đi vào hoạt động kể từ 00 giờ 00 ngày 01/3/2020.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, UBND huyện Đạ Tẻh đã tiến hành rà soát số liệu, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã đối với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua rà soát có 02 đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định gồm xã Hương Lâm và xã Hà Đông. Sau khi thực hiện rà soát tổng hợp, Uỷ ban nhân dân huyện đã làm Tờ trình đề nghị sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Đạ Tẻh và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH14. Sau khi thực hiện sáp nhập, huyện Đạ Tẻh còn 09 đơn vị hành cấp xã, giảm 02 đơn vị hành chính cấp xã.

Buổi giám sát được tổ chức bằng hình thức trực tuyến
Tại huyện Cát Tiên, qua rà soát có 04 đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Do đó, Uỷ ban nhân dân huyện đã lập Tờ trình số 150/TTr-UBND ngày 16/8/2019 về việc đề nghị sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Cát Tiên và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV thông qua tại Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH14. Có thể nói, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Cát Tiên đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Bên cạnh những thuận lợi sau khi thực hiện sáp nhập, các địa phương cũng chỉ ra một số khó khăn như công chức của địa phương chưa được tập huấn chuyên môn về xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhật các đơn vị hành chính nên gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng đề án; sau khi sáp nhập các xã có sự thay đổi về địa chỉ, đơn vị hành chính cấp xã, thôn… ảnh hưởng đến đời sống của người dân (như các loại giấy tờ, chế độ chính sách, CMND, hộ khẩu, sổ đỏ, BHXH…). Cùng với đó, sau khi sáp nhập, diện tích các xã lớn hơn, dân cư đông dẫn đến việc quản lý phức tạp hơn. Khi sáp nhập, một số cán bộ, công chức dôi dư dẫn đến khó khăn trong việc bố trí, điều chuyển công tác khác và chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với số cán bộ công chức dôi dư sau khi sáp nhập,....
Cho ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc quán triệt, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. Các thành viên đoàn giám sát đề nghị các địa phương cần làm rõ một số vấn đề như tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân tại xã sau sáp nhập; phương án sắp xếp, giải quyết việc cán bộ dôi dư sau sáp nhập; giải quyết vấn đề thôi việc cho một số cán bộ;...

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận buổi giám sát
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn giám sát đánh giá sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Theo đó, chính quyền khẩn trương vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đạt sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã chỉ đạo thực hiện nghiêm việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết; qua đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên nắm vững những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2019-2021 và định hướng đến năm 2030.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo khẳng định, công tác sắp xếp đơn vị hành chính đã được triển khai đảm bảo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch; công tác rà soát, đánh giá thực trạng, lựa chọn phương án sắp xếp, đặt tên đơn vị hành chính mới được triển khai đồng bộ gắn với tình hình thực tế, văn hóa, lịch sử, nhờ đó Đề án sắp xếp đơn vị hành chính đã được nhân dân đồng thuận rất cao.
Đối với các kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát sẽ ghi nhận để kiến nghị cụ thể đến các cơ quan chức năng liên quan, xem xét, nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới để góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa việc sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 – 2030 trên cả nước./.