Tích cực tham gia hoạt động lập Hiến, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, kế thừa và phát huy những thành tích, kinh nghiệm hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các khoá, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk luôn khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri và Nhân dân tin yêu, giao phó. Cùng với sự đổi mới chung để không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội đối với đất nước, với nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã có những bước chuyển biến tích cực trong việc cải tiến phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng đại biểu Quốc hội nói riêng và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội nói chung, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đáp ứng được cơ bản nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trong tình hình mới.
Trong nhiệm kỳ, trước khi tham dự các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức được 20 hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào 56 dự án Luật, Bộ luật; tổ chức 57 lượt lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các Sở, ngành có liên quan, các chuyên gia, người có kinh nghiệm đối với 48 dự thảo luật… Đồng thời, tham gia xây dựng luật trên các lĩnh vực, đã góp phần đáng kể cùng với Quốc hội thông qua được 72 luật, 105 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tạo sự đột phá đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh thời gian qua.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị lấy ý kiến của UBND tỉnh và các sở ngành trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Bên cạnh việc tích cực xây dựng pháp luật, Đoànđại biểu Quốc hội tỉnh cũng tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như: công tác nhân sự, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, quyết định chủ trương đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Tại các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia 72 buổi thảo luận tại tổ và 356 buổi thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, 12 buổi thảo luận riêng tại Đoàn về công tác nhân sự. Tại các buổi thảo luận ở tổ có 702 lượt ý kiến phát biểu, trong đó Đoàn Đắk Lắk 318 lượt ý kiến, chiếm 45,29% so với lượt người phát biểu; tại các buổi thảo luận ở hội trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã đăng ký phát biểu 204 lượt, trong đó có 134 lượt được phát biểu thảo luận, phát biểu chất vấn và tranh luận…

Các Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk khóa XIV
Ông Trần Đình Long, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII, XIII cho biết, những vấn đề thảo luận, tranh luận của đại biểu Quốc hội hiện nay đã đi vào thực tế, thực chất hơn, gần gũi với nhân dân, tập trung tranh luận nhiều vấn đề còn những ý kiến khác nhau. Quốc hội các khóa sau cũng có nhiều mặt tích cực, tiến bộ, đổi mới hơn khóa trước. Những đại biểu Quốc hội cả nước nói chung và đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk khóa XIV cũng thể hiện tinh thần đó, luôn luôn phát huy vai trò người đại biểu dân cử, để xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng đã chủ động chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 11 cuộc giám sát chuyên đề và tham gia 6 cuộc giám sát với các đoàn giám sát của Trung ương tổ chức tại địa phương. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức 18 đợt tiếp xúc cử tri gồm 140 hội nghị tiếp xúc cử tri với hơn 23.000 lượt cử tri tham dự và gần 3000 lượt ý kiến phát biểu. Sau khi nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã có văn bản trả lời cho Đoàn ĐBQH tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, các Cơ quan liên quan đã có trên 120 văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk.
Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tăng cường tiếp công dân định kỳ, tiếp nhận hơn 1.900 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân… Trên cơ sở nội dung đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiên cứu, phân loại và chuyển kịp thời đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng chú trọng thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là quan tâm các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk thường xuyên quan tâm đến các gia đình chính sách và các gia đình khó khăn
Là một trong những hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk trao tặng ngôi nhà tình thương, chị Nguyễn Thị Ngân Mlô - trú tại buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, trước đây, ngôi nhà của gia đình chị thường bị dột khi trời mưa, sau khi được trao tặng căn nhà mới, gia đình không lo bị dột nữa. Từ đây, gia đình sẽ tiếp tục ổn định chỗ ở, vươn lên phát triển kinh tế, phấn đấu thoát nghèo.
Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk rất có ý nghĩa, góp phần động viên tinh thần và vật chất cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Pắc nói riêng và các địa phương khác thuộc tỉnh Đắk Lắk nói chung. Từ đó, giúp người dân nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk trao tặng nhà cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại huyện CưKuin
Theo thống kê, trong 5 năm qua, đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tích cực vận động các nhà tài trợ kết hợp với nguồn kinh phí của Đoàn theo quy định, đã tổ chức thăm hỏi, xây dựng một số công trình thiết thực phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 06 tỷ đồng. Điển hình như: xây dựng được 31 căn nhà tình thương cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng 02 km đường bê tông giao thông nông thôn; xây dựng 03 phòng học mầm non; tặng 66 suất học bổng, trao tặng 60 chiếc xe đạp cho học sinh là người dân tộc thiểu số tại các địa phương…
Bên cạnh những thuận lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng gặp nhiều trở ngại như: Đa số các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn là hoạt động kiêm nhiệm, bị chi phối về thời gian nghiên cứu tham gia xây dựng luật. Một số đại biểu công tác ở trung ương gặp khó khăn trong việc tham gia hoạt động của Đoàn. Đắk Lắk là địa bàn rộng, nên quá trình hoạt động cũng khó thực hiện tốt các nhiệm vụ của người đại biểu, nhất là việc tiếp xúc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê cho biết, trong nhiệm kỳ qua, với tư cách là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết và chịu sự giám sát của nhân dân. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp thu, tổng hợp và phản ánh đầy đủ kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, tăng cường phát huy dân chủ để cử tri tham gia quá trình lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng thường xuyên tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương, các phiên họp, đóng góp nhiều ý kiến về phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Đắk Lắk.
Trên cơ sở sự quan tâm của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội; Lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp tỉnh Đắk Lắk, Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thực hiện tốt, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định trong suốt nhiệm kỳ qua, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Qua đó, góp phần hoàn thành nội dung, chương trình và thành công của Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021./.