Nhận diện rõ nguyên nhân, có giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

25/11/2024

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày mai (26/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Trao đổi với Cổng TTĐT Quốc hội trước thềm Phiên thảo luận, các ĐBQH cho rằng, để nhận diện, đánh giá toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn, Chính phủ cần dự báo đúng tình hình tham nhũng, trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có hiệu quả.

Cần làm rõ tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày mai (26/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Cổng TTĐT Quốc hội đã có cuộc trao đổi với các ĐBQH trước thềm Phiên thảo luận về các báo cáo quan trọng này.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Cần quan tâm đánh giá thêm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội

Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đã tác động đến sự ổn định và phát triển toàn cầu; trong nước, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp; các vụ việc, vụ án phải điều tra, truy tố, xét xử và số lượng các bản án, quyết định phải thi hành án, số lượng người phải chấp hành án phạt tù đều tăng. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã đề ra và thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều kế hoạch, giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH, đối ngoại của đất nước.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Nghiên cứu các Báo cáo của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, tôi cho rằng, về cơ bản các báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ các mặt công tác, việc thực hiện các chỉ tiêu của Quốc hội giao, những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nhận diện, đánh giá toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn, tôi cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đánh giá thêm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, một số loại tội phạm tăng mạnh, một số vụ giết người man rợ, liều lĩnh; cần đánh giá được tổng thể công tác xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc và trong từng lĩnh vực của bộ, ngành, địa phương; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, làm cho hiệu quả công tác phòng ngừa chưa cao.

Đồng thời VKSNDTC cũng cần có báo cáo đầy đủ về kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; TANDTC cần nêu rõ hơn số lượng văn bản của Tòa án các cấp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đình chỉ thi hành văn bản quy phạm pháp luật và kết quả giải quyết.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC cần quan tâm một số giải pháp trọng tậm như sau: (i) tăng cường chỉ đạo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính ngân hàng, điện…, qua đó kịp thời hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ; (ii) tiếp tục có giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 96 và các Nghị quyết khác của Quốc hội; quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho cơ quan tư pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ quan thi hành án dân sự; (iii) chỉ đạo Bộ Công an, các Bộ, ngành tăng cường các giải pháp hữu hiệu để phòng, chống và đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng; (iv) tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia theo dõi về xử lý vi phạm hành chính;

(v) Đề nghị VKSNDTC tiếp tục có giải pháp để nâng cao tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra VKSNDTC đạt được yêu cầu của Quốc hội; (vi) TANDTC khẩn trương tổ chức triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2024 và ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật; (vii) Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chối tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và Quy định số 183-QĐ/TW về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Dự báo đúng tình hình tham nhũng, đề ra giải pháp đột phá để triển khai đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi đôi với phòng, chống lãng phí hiệu quả

Qua nghiên cứu các báo cáo, tôi đánh giá cao các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, nghiêm túc, công phu. Trong đó, tôi quan tâm đến Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Tôi cơ bản đồng tình và đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được cũng như một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) và các nguyên nhân đã được chỉ ra trong Báo cáo của Chính phủ.

Năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; nhiều chính sách, quy định mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước ban hành, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng... Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành còn ít…

Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; khẩn trương khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về PCTN, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng…; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài các giải pháp căn cơ đã nêu, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (tháng 10 vừa qua), tôi cho rằng, cần xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa phải tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vừa phải quan tâm đẩy mạnh phòng, chống lãng phí; phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí.

Bởi hiện lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển chung của đất nước, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên... Vì vậy, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần thống nhất trong nhận thức và hành động, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống lãng phí phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong hệ thống chính trị, trong từng cơ quan, đơn vị, từng tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. 

Đáng chú ý, phải đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống lãng phí. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Kịp thời tăng cường năng lực nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng

Tôi cơ bản tán thành với những đánh giá, nhận định của Chính phủ về những tác động, thách thức của tình hình thế giới, trong nước tác động đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất nỗ lực để tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Báo cáo của Chính phủ đã thống kê tương đối đầy đủ số liệu xử lý vi phạm hành chính của các Bộ, ngành, địa phương so với cùng kỳ năm 2023, đã chỉ ra vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực, nhưng vẫn chưa đánh giá, phân tích cụ thể được thực trạng tình hình vi phạm trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước và công tác xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận thấy một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Công tác quản lý nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Tai nạn giao thông mặc dù giảm về số người chết nhưng tăng mạnh về số vụ tai nạn, số người bị thương và số trường hợp vi phạm bị xử lý, cùng với đó, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ và một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân tăng đột biến số vụ tai nạn giao thông và số vụ cháy trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt, thực tế hiện nay công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin còn nhiều sơ hở, còn để xảy ra tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng, có tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc hoạt động “tín dụng đen”. Việc tổ chức đánh bạc, lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, có tính chất xuyên quốc gia. Tuy nhiên, việc phòng, chống các loại tội phạm này chưa theo kịp được tình hình…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ những bất cập trong quy định của pháp luật trong các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai, tài chính, ngân hàng, xăng dầu, điện và các lĩnh vực khác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm hạn chế việc lợi dụng sơ hở để trục lợi.

Đặc biệt, cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục tuyên truyền thông tin về phương thức, thủ đoạn phạm tội để nâng cao cảnh giác của người dân, đồng thời tăng cường năng lực, trang bị các phương tiện nghiệp vụ đối với lực lượng liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý loại tội phạm này; chủ động nắm tình hình, thường xuyên rà soát trên không gian mạng nhằm phát hiện, thu thập thông tin, kịp thời đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về viễn thông, truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trên lĩnh vực này; nghiên cứu sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin để ngăn chặn triệt để những tin tức xấu, độc trên các trang mạng, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung độc hại./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác