Cần làm rõ tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

16/09/2024

Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại Phiên họp thứ 37 trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 tới, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được của Chính phủ và cơ bản thống nhất với Báo cáo này. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân đạt được và một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Từ đó đánh giá toàn diện, khách quan về nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp, kế hoạch phòng ngừa tội phạm một cách đồng bộ, quyết liệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Tiếp tục hoàn chỉnh các Báo cáo về công tác tư pháp năm 2024 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại Phiên họp thứ 37 trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 tới, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được của Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cũng như đồng tình cao với Báo cáo thẩm tra khá toàn diện của Ủy ban Tư pháp về nội dung này.

Đánh giá sâu về nguyên nhân đạt được

Về kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhận thấy, kết quả này đạt được rất cao, điển hình như công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm theo nhận xét và đánh giá của Ủy ban Tư pháp đạt 82,93%. Dù kết quả này chưa đạt theo chỉ tiêu của Nghị quyết 96, nhưng theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đến hiện tại đạt gần 83% là rất cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới 

“Số liệu trong báo cáo này chỉ có 10 tháng, theo quy định giải quyết tin báo, tố giác tội phạm thường giải quyết theo thời gian quy định là 2 tháng, 3 tháng hoặc 4 tháng thì dồn về cuối năm, nhưng cuối năm chúng ta lại cắt ngang, và báo cáo 10 tháng. Như vậy, nếu báo cáo này lấy số liệu 12 tháng thì sẽ đạt rất cao. Do đó, tôi đánh giá rất cao con số này”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng đánh giá cao công tác điều tra, xử lý tội phạm đạt tới 78,15%, nhiều vụ án được điều tra xử lý, nhiều vụ án rất khó. “Đặc biệt những vụ án trong phòng, chống tham nhũng, một vụ án cảnh tỉnh cho cả vùng, cả lĩnh vực. Điều này ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan tư pháp, không có những vụ án về hình sự, ma túy, tai nạn giao thông v.v., những vụ gây rối trật tự công cộng như những năm trước gây dư luận xấu, ảnh hưởng tới tình hình chung của xã hội. Đây là một ghi nhận rất lớn của các cơ quan tư pháp”.

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ và của Ủy ban Tư pháp về nguyên nhân đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh lưu ý thêm hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là chủ trương đưa công an xã thành lực lượng chính quy. Theo đó, đây là chủ trương của Bộ Công an khi thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị. Khi công an xã chính quy về gần dân, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có tác dụng rất rõ trong công tác phòng ngừa ngay tại địa bàn cơ sở.

Về nguyên nhân thứ hai đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị đánh giá thêm ý nghĩa, tác dụng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua và Bộ Công an đã thực hiện triển khai đồng loạt. Qua tiếp xúc cử tri hoặc làm việc tại các địa phương, cử tri và người dân đồng tình ủng hộ rất cao chủ trương này. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Chính phủ đánh giá sâu thêm về 2 nguyên nhân đạt được.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải

Cùng quan điểm nêu trên và thống nhất với những kết quả đạt được trong công tác phòng, ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong báo cáo có đánh giá về việc tăng cường công an xã chính quy và triển khai đồng bộ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn các nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội… Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần bổ sung và làm sâu sắc hơn trong báo cáo về việc đưa công an chính quy về công an xã sẽ góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ấm no, sung túc cho bà con nhân dân, cho đời sống ở cơ sở.

“Xuất phát từ thực tiễn ở tỉnh Thái Nguyên từ khi đưa công an chính quy về công an xã và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các đồng chí ở công an xã thì tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở được ổn định hơn rất nhiều, đặc biệt là góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu dẫn chứng.

Vì vậy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ cần làm sâu sắc hơn ý nghĩa của việc tăng cường công an xã chính quy, vì ngoài việc phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, điều này còn góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phân tích, làm rõ nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế

Đồng tình với các ưu điểm được nêu trong Báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, tội phạm vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, kể cả về thiệt hại tài sản, có một số loại tăng mạnh như tội phạm có tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, đánh bạc trên Inernet…

Ngoài các nguyên nhân khách quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ, Bộ Công an phân tích các loại tội phạm tăng mạnh này có nguyên nhân cơ bản, chủ quan là gì, từ góc độ quản lý nhà nước, đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nội dung này; cần đánh giá vì sao loại tội phạm có tổ chức tăng.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp phân tích, về góc độ quản lý nhà nước, có 4 nguyên nhân gia tăng tội phạm vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Một là, trong chừng mực nào đó một số quy định của pháp luật chưa được rõ; Hai là, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu yếu kéo dài; Ba là, quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ, quá trình chuyển đổi số; Bốn là, năng lực phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng tại một số địa phương còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần chỉ rõ hạn chế này là tại một số địa phương hay từ Trung ương đến địa phương và phải làm rõ do năng lực hay cả trách nhiệm. Đồng thời đề nghị phân tích nguyên nhân này; từ nghiên cứu, phân tích các vụ việc cụ thể, sau đó rút ra nguyên nhân, từ đó mới khắc phục được hạn chế. “Chúng ta nói năng lực không có nghĩa là phải đào tạo cán bộ, bồi dưỡng cán bộ nhưng nói về trách nhiệm thì phải tăng cường sinh hoạt, quản lý trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, một số địa phương hay trách nhiệm trong hệ thống chính trị từ Trung ương? Tôi đề nghị vấn đề này phải đánh giá toàn diện, khách quan về nguyên nhân”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Cần có kế hoạch tổng thể, toàn diện hơn trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế

Quan tâm đến nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã đưa ra một số nội dung được cho là bất cập, hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật và được nêu trong Phụ lục 2 của Báo cáo này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy

Tuy nhiên, qua rà soát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nhận thấy, nhiều nội dung đang nêu trong phụ lục này chỉ ra những vấn đề bất cập trong các văn bản pháp luật đã được Quốc hội sửa đổi, thay thế bằng các luật mới nhưng trong phụ lục lần này vẫn nêu như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu… Đây đều là những Luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua và đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần rà soát lại. “Cái nào thực sự là kẽ hở trong pháp luật hiện hành chúng ta đề cập thì báo cáo với Quốc hội cũng như các cơ quan có thẩm quyền xem xét, rà soát, có biện pháp xử lý kịp thời. Còn những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung, đã có văn bản thay thế thì cần phải cập nhật, đánh giá lại xem những nội dung thay thế đã thực sự phù hợp chưa, đã phát huy được hiệu quả chưa hay vẫn còn những sơ hở, bất cập để làm rõ được vấn đề”, đại biểu phân tích.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan thực hiện công tác rà soát pháp luật rất thường xuyên, trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Phương Thủy bày tỏ băn khoăn về chất lượng và hiệu quả của hoạt động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật này. 

Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề nghị Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan đầu mối giúp cho Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế cần có kế hoạch mang tính tổng thể, toàn diện hơn đối với công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện những bất cập, hạn chế trong các văn bản này, đồng thời có kế hoạch để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn so với hiện nay./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác