PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: “DĨ BẤT BIẾN, ỨNG VẠN BIẾN” TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

30/06/2022

Ngày 29/6, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Đắk Nông về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”. Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị tỉnh chỉ rõ hạn chế, bất cập trong việc giải quyết, khiếu nại về đất đai; tỷ lệ số vụ tố cáo có yếu tố đúng cao; đồng thời làm rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu.

Chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến đơn tố cáo có yếu tố đúng tại Đăk Nông chiếm tỷ lệ cao

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong 5 năm, tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận hơn 17.200 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các đơn khác, đã giải quyết được 93,8% số vụ việc khiếu nại. Nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến đất đai. Trong 94 vụ tố cáo đủ điều kiện xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt 96,8%, tuy nhiên số vụ tố cáo có yếu tố đúng (bằng 47,3%), chứng tỏ quản lý nhà nước trên lĩnh vực này có những bất cập và đặt ra chất lượng công tác cán bộ.

Về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tỉnh chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ đơn tố cáo có yếu tố đúng cao như vậy để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Còn ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, theo báo cáo của HĐND tỉnh, một số địa phương giải quyết khiếu nại tố cáo chưa thuyết phục khiến người dân bức xúc. «Cái này chúng ta có địa chỉ thì cũng phải xử lý chứ. Tôi đề nghị đồng chí Chủ tịch nắm rõ vấn đề này», ông Minh nêu rõ.

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Giải trình một số nội dung mà các thành viên Đoàn giám sát đặt ra, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định đến nay không có điểm nóng nào trên địa bàn. Điểm nóng nhất 16 năm rồi chưa giải quyết đã được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cũng xuống tiếp xúc để lắng nghe ý kiến người dân. “Cá nhân tôi và tỉnh cũng nhận thức được nhiều vấn đề về khiếu nại tố cáo, tiếp công dân, thanh tra. Đây là điều chúng tôi sẽ tiếp thu rất nghiêm túc và sẽ thực hiện tốt hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định với Đoàn giám sát.

Báo cáo của Tổ khảo sát của Đoàn giám sát cho thấy, trong giai đoạn từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021, Chủ tịch UBND xã chỉ tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ rất thấp 1,37%. Tỷ lệ đối với Chủ tịch UBND tỉnh là 68%, thấp hơn so với định của Luật Tiếp công dân. Chính vì vậy, trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cũng được Đoàn giám sát đặt ra.

Ông Đỗ Văn Đương, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện, chuyên gia tham gia Đoàn giám sát 

Ông Đỗ Văn Đương, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện, chuyên gia tham gia Đoàn giám sát cho rằng, việc tiếp dân của người đứng đầu ở Đăk Nông là vấn đề đáng suy nghĩ. “Tôi muốn hỏi chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch huyện như thế nào. Nếu ông tiếp dân, giải quyết khiếu nại hình thức chắc chắn ở tỉnh, tỷ lệ hủy sẽ rất nhiều”, ông Đương phân tích.

Giải trình thêm vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm về tình trạng tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND xã rất ít, huyện nhiều mà tỉnh lại ít hơn, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cam kết: “Chúng tôi rút kinh nghiệm cái này. Giải pháp để nâng cao vai trò các cấp, người đứng đầu tiếp công dân thì chúng tôi hứa chắc chắn chúng tôi sẽ làm tốt sau đợt giám sát nà”.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong nhiệm kỳ này trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tại tố cáo, vì vậy đến nay tình hình khiếu kiện không còn phức tạp như trước, đoàn đông người giảm. Tuy nhiên, Trưởng đoàn Giám sát cũng lưu ý tỉnh tiếp thu những hạn chế mà Đoàn nêu ra; đề nghị tỉnh chỉ đạo người đứng đầu cơ quan hành chính và tư pháp các cấp thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, nhất là tiếp công dân của người đứng đầu. Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần bảo đảm đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị: “Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài tận động đông người, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các đồng chí quan tâm chỉ đạo giải quyết và phối hợp với chặt chẽ với các cơ quan Trung ương cũng như các cơ quan có liên quan, địa phương để xử lý dứt điểm 4 vụ việc Tổ công tác đã tham mưu cho đoàn có kiến nghị, Đoàn sẽ kiến nghị đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền và có thời hạn, để chúng ta hoàn thành”.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát

Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Đắk Nông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân. Tiếp tục củng cố Trụ sở tiếp công dân; tổ chức, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này; tiếp tục củng cố, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số ứng dụng công nghệ để quản lý, xử lý có hệ thống vấn đề này./.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đắk Nông là vùng đất có tiềm năng phát triển nhưng còn đó tiềm ẩn từ việc quản lý, sử dụng đất đai. Nhân đây, Trưởng Đoàn Giám sát mong muốn công tác tiếp công dân, giài quyết khiếu nại tố cáo của tỉnh trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”, giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, điều quan trọng là cần phải giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ để có cách giải quyết chung trong các cơ quan, thông qua việc công khai, minh bạch, xin ý kiến của người dân và bằng các chính sách an dân để tạo sự thống nhất, tạo sự đồng thuận của người dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn./.

Khắc Phục