PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DẪN ĐẦU ĐOÀN GIÁM SÁT LÀM VIỆC VỚI TỈNH KIÊN GIANG VỀ TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

24/06/2022

Sáng 24/6 tại tỉnh Kiên Giang, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, làm việc với tỉnh Kiên Giang về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”. Đây là địa phương đầu tiên Đoàn giám sát sau khi đã làm việc với 8 Bộ ngành về chuyên đề này trong thời gian qua.

 

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc 

Tham dự Đoàn giám sát có ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn giám sát cùng các thành viên Đoàn giám sát. Về phía các Bộ, ngành, có ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường và chuyên gia tham gia Đoàn giám sát.

Về phía tỉnh Kiên Giang, dự buổi làm việc có ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương có liên quan.

Nhấn mạnh mục tiêu cuộc giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn triển khai giám sát trực tiếp tại tỉnh Kiên Giang; nghe lãnh đạo UBND tỉnh, Tòa án và Viện kiểm sát tỉnh báo cáo kết quả việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, Trưởng đoàn giám sát mong muốn buổi làm việc sẽ nhận được nhiều ý kiến thực tiễn sâu sắc tập trung vào các nội dung theo đề cương giám sát. 

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, về tiếp công dân, trong giai đoạn báo cáo, các cấp ngành tiếp dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất 63.800 lượt/hơn 27.700 vụ. Khiếu nại tập trung liên quan đến lĩnh vực hành chính (chiếm hơn 50%), chủ yếu khiếu nại các quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện các dự án. Có 198 đoàn đông người/173 vụ việc, trong đó có các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, đoàn đông người kéo đến Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Về tố cáo, chủ yếu tố cáo hành vi của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Số đơn tiếp nhận khiếu nại, tố cáo trong kỳ là hơn 17.400 đơn.

Bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Tổ công tác của Đoàn giám sát cho biết: Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể tại thành phố Phú Quốc, nội dung khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm hơn 96%, trên địa bàn toàn tỉnh là trên 77%, điều đó cho thấy lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến đất đai ở Phú Quốc đang rất nóng, có nguy cơ ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt trong thu hồi đất tại Phú Quốc, có tình trạng đất có tranh chấp, chưa xử lý xong nhưng chính quyền đã ra quyết định thu hồi đất, cho doanh nghiệp quây tôn và làm dự án ngay. Người dân phản ánh có tình trạng doanh nghiệp thuê xã hội đen để bảo kê quyền lợi cho doanh nghiệp. Tổ công tác đề nghị UBND tỉnh nêu rõ quan điểm, lập luận trong việc thu hồi đất áp dụng theo Điều 62 Luật Đất đai về “Thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về vấn đề này, ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi: “Trong thời gian vừa qua chúng ta áp dụng cái việc này thì lợi ích quốc gia, công cộng là thế nào? Lợi ích quốc gia công cộng có phải là lợi ích để làm kinh doanh của các doanh nghiệp không? Nếu mà được kinh doanh thì rõ ràng họ phải thỏa thuận với người dân. Tổ khảo sát cũng đánh giá và đề nghị địa phương cần phải làm rõ trong báo cáo của mình, đánh giá việc áp dụng Điều 62 Luật Đất đai trong thực tế như thế nào”.

 Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh thêm về Điều 62 Luật Đất đai tại Khoản 3 liên quan đến thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân quyết định: “Điều 62 này không có lỗi gì cả. Lỗi là cách chúng ta áp dụng và triển khai. Nếu đọc toàn bộ nội dung Điều 62 thì những dự án đã thu hồi có đúng hay không? Đề nghị Thanh tra, đặc biệt Hội đồng nhân dân tỉnh trả lời câu chuyện này vì Hội đồng nhân dân tỉnh có chủ trương. Ví dụ dự án biệt thự nghỉ dưỡng có nằm trong danh mục của Điều 62 không?”

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội 

Tổ công tác và các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Kiên Giang giải thích rõ quan điểm của tỉnh khi cho rằng có thẻ áp dụng các thủ tục rút gọn để cưỡng chế, thu hồi đất nhanh chóng phục vụ đầu tư phát triển; đồng thời làm rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh đánh giá phương pháp và cách thức giải quyết khiếu nại, tố cáo; nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng thi hành án chậm tại địa phương. Đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang xác định đâu là nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình hình khiếu nại tố cáo vượt cấp, kéo dài; đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp từng bước khắc phục và hạn chế tình trạng này./.

Khắc Phục