CHỈ RÕ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN ĐƠN TỐ CÁO CÓ YẾU TỐ ĐÚNG TẠI ĐẮK NÔNG CHIẾM TỶ LỆ CAO

29/06/2022

Sáng 29/6, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Đắk Nông về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Tăng cường thanh tra trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu khai mạc buổi làm việc

Tham gia Đoàn Giám sát có Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm, Phó Trưởng Đoàn Giám sát.

Các thành viên Đoàn Giám sát còn có ông Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn Điám sát; bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; ông Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Tổ trưởng Tổ khảo sát tại Đắk Nông; ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; ông Lê Hoàng Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách; bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế; ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện và đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Về phía Bộ, ngành, tham gia Đoàn Giám sát có đại diện Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ chuyên môn Văn phòng Chính phủ và các chuyên gia.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông tại buổi làm việc

Tham dự buổi giám sát, về phía tỉnh Đắk Nông có ông Điểu K’ré - Phó Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông và lãnh đạo các cơ quan, ban ngành mà một số huyện có liên quan.

Phát biểu khai mạc buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua cuộc giám sát này nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đồng thời phát hiện những bất cập vướng mắc, thông qua đó thúc đẩy, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, làm cho việc thực hiện chính sách pháp luật tốt hơn. Nếu phát hiện sai phạm thì kiến nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Trưởng Đoàn Giám sát đề nghị tỉnh chỉ rõ những kinh nghiệm; nêu rõ những vướng mắc bất cập về chính sách pháp luật, khuyết điểm tồn tại, đặc biệt là về nguyên nhân chủ quan, đồng thời quy rõ trách nhiệm các cấp.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Nông báo cáo tại buổi làm việc 

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, trong giai đoạn 2016-2021, tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn tỉnh tăng 157 vụ việc so với giai đoạn 2010-2015. Nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến đất đai như: Khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án có thu hồi đất, cho thuê đất, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tố cáo các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý bảo vệ rừng. Qua rà soát, UBND tỉnh xác định có 16 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp. Trong kỳ báo cáo, các cơ quan đơn vị đã tiếp tổng số hơn 11.000 lượt, với hơn 8.900 vụ việc (có 319 lượt đoàn đông người).

Về tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp 41 ngày/60 ngày theo quy định của Luật Tiếp công dân. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các đơn khác tiếp nhận là hơn 17.200 đơn. Tỷ lệ giải quyết vụ việc khiếu nại đạt 93,8%, vụ tố cáo đạt 96,8%.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổ trưởng Tổ Khảo sát tại tỉnh Đắk Nông

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổ trưởng Tổ Khảo sát tại tỉnh Đắk Nông cho biết, Tổ Khảo sát nhận thấy tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Đăk Nông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, số đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tranh chấp đất đai tại thị trấn Kiến Đức (huyện Đăk R’Lấp) chiếm hơn 53%; tại huyện Đăk R’Lấp là địa bàn của các nông-lâm trường cũ, khu công nghiệp Nhân Cơ 1,2 và Nhà máy Alumin Nhân Cơ nên có rất nhiều đơn thư, vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư. Số đơn khiếu kiện vượt cấp, số vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người, còn tồn đọng khá nhiều, điều đó cho thấy lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến đất đai ở Đăk Nông vẫn đang rất phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Thực tế tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh là 41/60 kỳ (chỉ đạt 68% so với quy định); của Chủ tịch UBND huyện là 1.210/960 lượt (cao hơn 1,26 lần so với quy định); của Chủ tịch UBND xã là 233/17.040 lượt (chỉ đạt 1,37%, do thiếu sót trong việc theo dõi, cập nhật thường xuyên).

Kết quả giải quyết tố cáo đạt tỷ lệ cao: Số vụ việc (đủ điều kiện thụ lý) đã thụ lý giải quyết đạt 100%; số vụ việc đã giải quyết xong đạt tỷ lệ 96,8%. Số vụ tố cáo đúng: 14 vụ (chiếm 15,4%); tố cáo có đúng, có sai: 29 vụ (chiếm 31,9%). Kết quả, đã kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 4 tập thể và 10 cá nhân, đề nghị cảnh cáo 03 cá nhân, thanh lý hợp đồng 01 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, khởi tố 02 vụ việc.

Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Về vấn đề này, nhiều thành viên Đoàn Giám sát quan tâm đến nguyên nhân số vụ tố cáo có yếu tố đúng chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn tỉnh. Theo ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tỷ lệ đơn tố cáo có yếu tố đúng chiếm 47,3%, đồng nghĩa với việc các cơ quan có sai sót. “Tỷ lệ này trung bình của cả nước là 31% mà chúng ta là 47,3%, như vậy tôi chia tỷ lệ ra là cao hơn 153% so với trung bình chung cả nước. Đề nghị các đồng chí làm rõ nguyên nhân vì sao nhiều như thế?” - ông Ngô Trung Thành phân tích.

Ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Còn theo ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 47,3% đơn tố cáo có yếu tố đúng, gần như cứ 2 đơn thì có 1 đơn ít nhất đúng một phần, điều này phản ánh năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, nhất là trên lĩnh vực đất đai rất đáng quan ngại. Đại biểu cũng đề nghị tỉnh làm rõ những giải pháp để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.

Tình trạng đơn tố cáo có yếu đúng cao như vậy, thế nhưng qua báo cáo cho thấy việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu ở xã địa bàn cơ sở lại rất ít, huyện nhiều, tỉnh không cao (Chủ tịch UBND xã chỉ đạt 1,37%, Chủ tịch UBND huyện cao hơn 1,26 lần so với quy định, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạt 68%). Từ đây, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh làm rõ vi phạm, xử lý sai phạm của cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Tỉnh cũng phải phân tích sâu sắc thêm mức độ vi phạm cũng như nguyên nhân khách quan, chủ quan của tập thể, cá nhân liên quan đến vấn đề này” - bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị.

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn Giám sát cũng chỉ rõ bất cập về năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; đề nghị tỉnh có đề xuất kiến nghị cụ thể bất cập về chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát 

Tổ khảo sát của Đoàn Giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông xác định đâu là nguyên nhân chính, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài; đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp từng bước khắc phục và hạn chế tình trạng này; đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông phân tích, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc giải quyết, khiếu nại về đất đai vì đây là những nội dung khiếu nại, tố cáo chiếm tỷ lệ cao tại địa phương; đồng thời đề xuất các định hướng, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết đơn trong thời gian tới./.

Khắc Phục