Đề xuất giãn hiệu lực tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

18/03/2025

Đóng góp ý kiến tham vấn hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Hội thảo diễn ra sáng 18/3, các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất giãn hiệu lực thực hiện áp thuế đến năm 2028 thay vì năm 2026 như dự thảo.

UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Cân nhắc mức tăng và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Sáng 18/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có một số Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cùng đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới. Đây là một sắc thuế có ảnh hướng lớn đến các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Chính vì vậy, Hội thảo được tổ chức là cơ hội để các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cùng phân tích, cung cấp thông tin cụ thể đa chiều cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan góp phần xây dựng chính sách thuế TTĐB phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý Nhà nước.

Nghiên cứu giãn hiệu lực thực hiện áp thuế đến năm 2028

Cơ quan soạn thảo hiện đang đề xuất 2 phương án đối với rượu, bia, trong đó có phương án tăng cao và liên tục đạt tới 100% cho tới năm 2030 (theo Phương án 2). Với nước giải khát, dự thảo Luật bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng trên 5g/100 ml theo tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất dự kiến áp mức 10%.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, đại diện Tổng công ty cổ phần Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, năm 2022, ngành bia đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Đến giữa năm 2023, sức mua của người tiêu dùng lại suy giảm và các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo các báo cáo, năm 2024 sản lượng bia có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng sức mua vẫn còn chậm và còn thấp hơn rất nhiều so với năm 2019.  

Nhìn về tương lai, ông Nguyễn Hoàng Giang hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ tốt dần lên và có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn và khó đoán như rào cản thương mại và xung đột vũ trang trên thế giới. 

Ông Nguyễn Hoàng Giang, đại diện Tổng công ty cổ phần Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)

Từ thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Giang đề nghị Bộ Tài Chính, Chính phủ và Quốc hội cân nhắc điều chỉnh mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế theo đề nghị của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải  khát Việt Nam (VBA), cụ thể là theo phương án 1 của Chính phủ đã trình Quốc hội nhưng giãn hiệu lực thực hiện đến năm 2028 thay vì năm 2026 như dự thảo.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia- Nước giải khát Việt Nam cho rằng, việc ban hành chính sách thuế cần cẩn trọng, hỗ trợ doanh nghiệp, không cản trở động lực tăng trưởng kinh tế. Bởi ngành đồ uống có vai trò đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy dịch vụ, du lịch; giải quyết hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong chuỗi cung ứng; đóng góp ngân sách trên 60.000 tỷ đồng/năm (thuế TTĐB trên 40.000 tỷ đồng)…

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

Với lý lẽ trên, ông Nguyễn Văn Việt đề xuất với ngành bia, rượu, cần lùi hiệu lực áp thuế TTĐB mới tới năm 2028 và tăng thuế theo phương án 1 (tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%). Với ngành nước giải khát, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Lo ngại việc tăng mạnh và nhanh thuế có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách Nhà nước lâu dài

Xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội về “giãn thuế”, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phân tích các khía cạnh về mục tiêu của sắc thuế TTĐB, đặc biệt là mục tiêu điều chỉnh hành vi người tiêu dùng và sức khỏe.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Đối với mặt hàng bia rượu, thuốc lá, áp thuế không giảm được tiêu dùng vì người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các sản phẩm bất hợp pháp. Trong khi, Nghị định 100 và 168 đã làm giảm tiêu dùng mặt hàng này. Như vậy, cần xem xét các biện pháp khác chứ không phải chỉ tăng thuế.

Theo TS Võ Trí Thành, trước khi đề xuất thuế, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trên các yếu tố về tính cân bằng, tác động ngân sách, tiêu dùng, lao động. Ngoài ra, cần cân nhắc thêm về hiệu lực, hiệu quả và sự công bằng của sắc thuế. Ban soạn thảo dự thảo Luật có thể đưa ra nhiều phương án như xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội về “giãn thuế” TTĐB.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV nêu quan điểm: Việt Nam đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đột phá lên đến 8% vào 2025 và hai con số giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, việc tăng mạnh và nhanh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách Nhà nước lâu dài; tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, ăn uống).

Đưa ra quan điểm về việc áp thuế, TS Cấn Văn Lực kiến nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật Thuế TTĐB cần cân nhắc phương án tối ưu là giãn thực hiện từ ngày 01/01/2028 và cân nhắc áp dụng tăng thuế theo phương án 1 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, đổi mới công nghệ. Việc lựa chọn phương án 1 sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay giúp tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Tuấn Anh

Đứng ở góc độ ĐBQH, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Tuấn Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội  khóa XV và gần đây là Phiên họp tháng 3/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi). Việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội lần này nhằm góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với phương châm không tạo ra biến động lớn, tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nghiên cứu hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục trao đổi với cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua. Nếu còn những điểm chưa thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thì phải xin ý kiến của các ĐBQH.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn khẳng định, những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật TTĐB (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp, hiệp hội trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các ĐBQH, chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội thảo sẽ được tập hợp đầy đủ để gửi Ban soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội tham dự Hội thảo

Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ doanh nghiệp và pháp chế, đại diện Tân Hiệp Phát

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - đại diện Tiểu ban nước giải khát, Hiệp hội Rượu - Bia- Nước giải khát Việt Nam

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Chủ tịch PwC Việt Nam

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn phát biểu kết luận Hội thảo.

Bích Lan - Nghĩa Đức