Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Đề xuất giải pháp đảm bảo mục tiêu quản lý và chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp sản xuất bia
Tại kỳ họp thứ 8, tháng 11/2024, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tại các phiên thảo luận tổ và phiên họp tại hội trường ngày 27/11/2024, đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nội dung dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã có báo cáo giải trình về những nội dung góp ý của các đại biểu Quốc hội. Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo tập trung làm rõ những nội dung, ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, nội dung tiếp thu giải trình của Ban soạn thảo, trên cơ sở đó đề xuất các nội dung cần chỉnh sửa để dự thảo luật đáp ứng yêu cầu mà các đại biểu Quốc hội đã nêu, nhất là các vấn đề: cơ sở để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường; tác động của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với doanh nghiệp, thu ngân sách nhà nước; thuế suất và lộ trình áp dụng... Hội thảo có sự tham dự của một số đại biểu Quốc hội, đại diện một số Bộ ngành, chuyên gia, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội nêu quan điểm, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cần được đánh giá tác động một cách toàn diện. Cụ thể, một số chuyên gia khẳng định để tạo động lực giúp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nền kinh tế, cần xác định mức tăng và lộ trình tăng thuế TTĐB hợp lý tránh tác động tiêu cực đến ngành sản xuất, người lao động và chuỗi cung ứng liên quan.

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia tham dự Hội thảo
Đứng ở góc độ doanh nghiệp chịu tác động từ việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam cho rằng, từ sau Covid-19, người dân đã thắt chặt chi tiêu hơn mặc dù kinh tế đã có sự tăng trưởng lại trong năm 2022. Cụ thể, những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, ngành đồ uống đã ghi nhận sự sụt giảm do nhu cầu giảm mạnh. Người dân thắt chặt chi tiêu do lo ngại mất việc việc làm đang lan rộng từ khối hành chính công, ngành công nghệ, ngân hàng, bán lẻ, sản xuất. Theo Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý IV năm 2024 và dự báo quý I năm 2025, khảo sát các doanh nghiệp cho thấy 62% lo ngại về “Nhu cầu thị trường trong nước thấp”.
Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, những thay đổi trong chính sách thương mại của một số thị trường xuất khẩu lớn có thể dẫn đến những chuyển dịch đầu tư ra khỏi những thị trường có rủi ro cao về thuế. Những thay đổi về chính sách thuế như tăng thuế suất hay hay bổ sung các mặt hàng mới vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, ngành đồ uống hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn từ các công ty đa quốc gia của các nước phát triển khu vực châu Âu, châu Mỹ. Các công ty này cam kết đầu tư đem theo công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp đồ uống. Do đó, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Theo thông tin liên quan đến các Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động định lượng của đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đã được công bố, cả hai phương án trong dự thảo Luật đều có nguy cơ làm giảm giá trị gia tăng của ngành và tác động tiêu cực đến GDP, dù trong ngắn hạn, thu ngân sách có thể tăng, nhưng về trung và dài hạn sẽ giảm.
Cụ thể, đối với ngành bia, theo hai phương án mà Ban soạn thảo đề xuất, GDP sẽ sụt giảm lần lượt là 14.276 tỷ đồng (tương đương 0,0354%) và 32.5259 tỷ đồng (tương đương 0,08%); Tổng giá trị tăng thêm của ngành bia là 44.359 tỷ đồng (tương đương 9,4%) và 61.899 tỷ đồng (tương đương 13,12%); Đối với ngành nước giải khát, sụt giảm về GDP là 0,448% (tương đương 42.570 tỷ đồng); Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601% (tương đương 55.077 tỷ đồng).

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát biểu tại Hội thảo
Đưa ra quan điểm về tác động của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với sự tăng trưởng kinh tế, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu quan điểm, cùng với tháo gỡ những điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế, thì chính sách tài khoá, bao gồm chính sách thuế nội địa và thuế quan phải bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà nước với doanh nghiệp; vừa tăng thu ngân sách hợp lý, vừa tạo điều kiện tích luỹ vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, chi phí đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi sang kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thực hiện sản xuất xanh, kinh doanh xanh. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở thời điểm hiện tại đối với một số mặt hàng sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên là ĐBQH chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội và đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên là ĐBQH chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tham dự Hội thảo
Đồng quan điểm, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị cân nhắc thận trọng việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Đầu tư và tiêu dùng là hai yếu tố trọng yếu, có tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc điều chỉnh thuế suất tiêu thụ đặc biệt một cách đột ngột có thể làm giảm sức mua, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển chung của nền kinh tế. VCCI kiến nghị chưa xem xét tăng thuế và bổ sung mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại thời điểm này để tránh tác động bất lợi đến thị trường và cộng đồng doanh nghiệp.
Lộ trình tăng thuế có thể xem xét từ năm 2028 để đảm bảo tính khả thi. Cân nhắc sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt theo hướng quy định mang tính khung, ổn định lâu dài, trong đó chỉ đưa ra nguyên tắc điều chỉnh thuế suất tối đa hoặc thu hẹp – mở rộng đối tượng chịu thuế, đồng thời giao Chính phủ chủ động xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế suất dựa trên tình hình thực tế.

Bà Phan Minh Thủy - Ban Pháp chế của VCCI phát biểu tại Hội thảo
Song song với điều chỉnh thuế, cần triển khai đồng bộ các biện pháp phi thuế như: tuyên truyền, giáo dục, kiểm soát quảng cáo, quy định độ tuổi sử dụng sản phẩm có hại cho sức khỏe, và tăng cường chống buôn lậu. Sự kết hợp hài hòa giữa chính sách thuế và các biện pháp quản lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều tiết thị trường, hạn chế tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và nền kinh tế. VCCI đề xuất một lộ trình điều chỉnh thuế minh bạch, hợp lý, tránh những thay đổi đột ngột gây xáo trộn thị trường, qua đó góp phần xây dựng một hệ thống chính sách thuế công bằng, ổn định và hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
.jpg)
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu khẳng định, thông qua các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội, có thể thấy được dự báo tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tới doanh nghiệp như thế nào. Do đó, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu lại để có lộ trình tăng thuế phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay. Việc áp thuế cần tiếp tục được nghiên cứu sâu thêm trên cơ sở chính trị, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã có sự thay đổi và nếu áp dụng thì cần có lộ trình với từng đối tượng cụ thể.