Hải Phòng - Điểm sáng về phát triển văn hóa, giáo dục

15/11/2024

Chiều 15/11, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với các sở, ngành của thành phố Hải Phòng về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách từ năm 2021 đến nay.

Tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên

Hải Phòng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với nhiều di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể phong phú, độc đáo, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Thành phố có vị trí địa lý thuận lợi là cửa ngõ vào và ra của các hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn chủ trì cuộc làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ TP. Hải Phòng

Thời gian qua, quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố; các sở, ngành đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản quản lý nhà nước, thể chế hóa các các chủ trương, Nghị quyết của Thành ủy phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông, tôn giáo - tín ngưỡng, thanh niên và trẻ em.

Hải Phòng là một trong các địa phương đi đầu cả nước về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ người học tiếp cận giáo dục và đào tạo. Thành phố cũng thực hiện tốt dân chủ hóa trong giáo dục; tạo bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người, nhất là đối tượng vùng khó khăn, đối tượng chính sách xã hội. Mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo Hải Phòng đa dạng, có đủ loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong thành phố.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai báo cáo với Đoàn giám sát

Với phương châm đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu, Hải Phòng ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Ưu tiên phân bổ chi đầu tư cho ngành giáo dục. Thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; đồng thời, củng cố và hoàn thiện mạng lưới trường, lớp học theo quy hoạch; xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học được giữ vững và nâng cao, đạt được nhiều thành tích quan trọng, bứt phá.

Đối với lĩnh vực văn hóa, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật thành phố có những chuyển biến tích cực. Kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, xây dựng và hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội nhằm đạt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến phát biểu tại cuộc làm việc

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt nhiều kết quả. Hải Phòng có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 119 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 434 di tích xếp hạng cấp thành phố, 400 di tích trong danh mục kiểm kê. Các di tích được lập hồ sơ theo quy định về hồ sơ xếp hạng di tích, được khoanh vùng, bảo vệ và địa phương nơi có di tích tổ chức cắm mốc trên thực địa.

Bên cạnh đó, thành phố có 344 cổ vật, 21 bảo vật quốc gia, thành lập 3 bảo tàng tư nhân; có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sản phẩm du lịch cơ bản của Hải Phòng phát triển theo nguyên tắc du lịch biển đảo làm cốt lõi, kết hợp với du lịch thể thao, nghỉ dưỡng; các sản phẩm du lịch hỗ trợ có tính lan tỏa như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch văn hóa, lịch sử.

Cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ TP. Hải Phòng

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường sau dịch Covid-19, thành phố đã chủ động, tích cực đổi mới sản phẩm du lịch song song với phát triển, làm mới các sản phẩm du lịch chủ đạo. Một số sản phẩm du lịch mới đã tạo thương hiệu riêng cho du lịch Hải Phòng. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch có nhiều đổi mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tạo ra nhiều sản phẩm, hình ảnh hấp dẫn, thu hút du khách…

Đoàn giám sát đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hải Phòng đối với các lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách, đặc biệt là văn hóa, giáo dục với nhiều chính sách đặc thù, tiên phong cả nước. Nhờ đó, Hải Phòng trở thành điểm sáng về phát triển văn hóa - giáo dục; là tấm gương tốt để các tỉnh, thành phố khác học hỏi kinh nghiệm.

Đoàn giám sát đề nghị Hải Phòng tập trung xây dựng thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc; phát triển di sản công nghiệp; chăm lo nhiều hơn cho văn hóa - thể thao quần chúng; xây dựng các trung tâm văn hóa - thể thao quận/huyện còn thiếu…

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác