Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức. Tiếp nối thành công của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần đầu tiên được tổ chức trong năm 2023, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Hai có sự tham dự của 306 đại biểu Quốc hội trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" là một trong những hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023 - 2027”.
Tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 các đại biểu Quốc hội trẻ em tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào hai chủ đề quan trọng: "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường".
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai - năm 2024.
Đại biểu Quốc hội trẻ em đặt câu hỏi chất vấn "Bộ trưởng trẻ em". Tại phiên chất vấn, 11 đại biểu tham gia chất vấn và 4 đại biểu đã tranh luận với các Bộ trưởng trẻ em giả định, nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương với 2 vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”; đồng thời làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm.
Bộ trưởng trẻ em trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trẻ em. Không khí Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và có tính xây dựng cao, các Bộ trưởng trẻ em đã trả lời đầy đủ, trực tiếp vào các vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và có giải pháp cụ thể, thiết thực.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai - năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh và đánh giá cao Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” với mong muốn thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội. Đồng thời, nhấn mạnh việc tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu Quốc hội trẻ em. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ấn tượng về sự thể hiện của các cháu hôm nay, dù nhỏ tuổi nhưng các cháu đã rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc. Nhiều câu hỏi đề xuất, kiến nghị giải pháp rất xác đáng; Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách, pháp luật, giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em.
Đại biểu Quốc hội trẻ em hân hoan chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Trước đó, tại phiên họp, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trẻ em và các Bộ trưởng trẻ em, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có phát biểu, trao đổi về 2 chủ đề trong phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu bên lề Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai - năm 2024. Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em./.