Dự án 1 luật sửa 7 luật: Tập trung sửa đổi những vấn đề trọng tâm, gỡ vướng trong lĩnh vực tài chính – ngân sách

07/11/2024

Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trong lĩnh vực tài chính. Tán thành sự cần thiết sửa đổi tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị rà soát kỹ lưỡng, nội dung sửa đổi phải tập trung nhằm gỡ các nút thắt, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (Dự án 1 luật sửa 7 luật) là dự án Luật quan trọng, được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứu 8 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật nêu trên nhằm thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát. Đồng thời, thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...

Thảo luận tại Tổ về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình cao đồng thời, đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung đề xuất sửa đổi. Theo đó, tập trung vào các vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách; có trọng tâm nhằm tháo gỡ được “trúng” các nút thắt, vướng mắc hiện nay về thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách hiện nay, từ đó tạo được chuyển biến rõ dệt, mạnh mẽ trên thực tiễn.

Tán thành sự cần thiết ban hành và đồng tình với nhiều nội dung đề xuất tại dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc sửa đổi nhằm kịp thời tháo gỡ những vấn đề vướng mắc đang đặt ra trong thực tiễn; đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Theo đại biểu, dự án Luật đã thể hiện được những yêu cầu của Nghị quyết Trung ương lần thứ 10 vừa qua cũng như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư “thận trọng nhưng không cầu toàn và không cầu toàn để dẫn đến mất cơ hội”. ​

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn 

Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, những nội dung được Chính phủ đề xuất trình sửa đổi lần này trong dự án 1 luật sửa 7 luật là những vấn đề rất cụ thể, cấp bách. “Trong thời gian vừa qua, đã thực hiện việc rà soát các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, những vấn đề ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội cần sớm tháo gỡ. Trên cơ sở rà soát, Chính phủ đề xuất sửa đổi các quy định này là kịp thời và phù hợp. Việc sửa đổi dựa trên cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng các phương diện; đề xuất thông qua tại một kỳ họp nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn….”, đại biểu nêu rõ.

Tham gia góp vào quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, đại biểu cho biết, dự thảo Luật bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trên cơ sở tham khảo các quy định về tội thao túng thị trường chứng khoán được quy định tại khoản 1, Điều 211 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự, các hành vi này chỉ bị coi là tội phạm khi thực hiện với lỗi cố ý, với động cơ thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Trong khi đó, các hành vi được bổ sung vào hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 3, Điều 12 dự thảo luật lại không thể hiện được đầy đủ các yếu tố này.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh 

Mặt khác, theo đại biểu trong số các quy định được bổ sung vào hành vi bị nghiêm cấm, cách thức diễn đạt rất dễ gây nhầm lẫn với các hoạt động mang tính chất nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán cũng như các thành viên thị trường hoặc các nhà đầu tư. “Việc mua, bán chứng khoán với số lượng lớn, mang tính chất chi phối vào thời điểm mở hoặc đóng cửa thị trường là hoạt động rất bình thường và cần thiết trong hoạt động quản lý quỹ mà không nhằm tạo ra cung - cầu giả tạo, hay nói cách khác là mục đích thao túng thị trường. Khi một khối lượng chứng khoán lớn được giao dịch tại một thời điểm thì giá đóng cửa hoặc giá mở cửa của loại chứng khoán đó trong cùng phiên giao dịch hoặc phiên giao dịch tiếp theo có thể thay đổi là hệ quả hợp lý theo quy luật cung - cầu…”, đại biểu nêu ví dụ.

Vì vậy, nếu quy định cấm hành vi cấm như quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 theo hướng liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng lớn, chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường, không xét đến yếu tố thu lợi bất chính cũng như là gây thiệt hại rất có nguy cơ tạo rủi ro cho hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty quản lý quỹ, kể cả trong nước như quốc tế khi tham gia thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Do đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị, cần rà soát rất kỹ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, bảo đảm không lẫn lộn với các hoạt động nghiệp vụ thông thường, theo đó hành vi bị nghiêm cấm phải đúng tính chất là những hành vi xâm phạm trật tự quản lý nhà nước cần thiết phải áp dụng các chế tài như là chế tài hành chính hoặc là chế tài hình sự.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đồng tình sự cần thiết ban hành 1 luật sửa 7 luật, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ quan tâm tới Luật Quản lý thuế. Theo đại biểu, hiện đại hóa công tác quản lý thuế trước yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 là một yêu cầu cấp bách; việc đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng, phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội,... Tuy nhiên, để thực hiện công tác này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều công việc và phải thay đổi nhanh chóng để đáp ứng với yêu cầu của thực tế. Do đó, không thể quy định chi tiết, cụ thể trong luật.

Dẫn chứng cho nhận định trên, đại biểu cho biết, nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước chi cho công tác hiện đại hóa nhằm phục vụ tốt nhất việc thực hiện các nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quy định về hóa đơn điện tử, sử dụng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử; trong đó, bao gồm: công nghệ thông tin chuyển đổi số hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra, giám sát rồi kiểm soát hải quan, phân tích, phân loại các nhiệm vụ chuyên môn phục vụ công tác quản lý thuế được tính trên cơ sở là số% trên dự toán thu ngân sách nhà nước được Quốc hội giao hàng năm và nhiều nội dung có liên quan đến hiện đại hóa công tác quản lý thuế…Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung trong lần sửa đổi này, bổ sung thêm một khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều 11 tại dự thảo Luật sửa đổi quản lý thuế.

 Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang 

Nêu quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đặt vấn đề liên quan đến việc chậm hoàn thuế, vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với các đối tượng về thuế chịu bồi hoàn theo quy định bồi thường pháp luật nhà nước. Theo phân tích của đại biểu, hiện quy định về nội dung này còn rất chugn dung, dẫn đến khó thực hiện và hiệu quả không cao. Do đó, cần có quy định cụ thể hơn để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện hoàn thuế cho tổ chức, cá nhân.

Liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử, trong đó quy định trách nhiệm của các sàn phải kê khai thuế, nộp thuế và kê khai thuế của các đối tượng sử dụng các sàn thương mại điện tử, đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định này. “Kê khai thuế đây là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế trừ khi ủy quyền việc kê khai thuế. Bởi chính bản thân người trực tiếp phải kê khai mới biết được chính xác các nguồn thu nhập và chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Nếu quy định các sàn đứng ra kê khai, có thể dẫn tới trường hợp kê khai sai, kê khai thiếu, bởi vì sàn không thể kiểm soát được toàn bộ những khoản thu nhập ngoài sàn, chưa nói đến chi phí sản phải bỏ ra trong việc tổ chức kê khai,..”, đại biểu lý giải.

Cho rằng, dự án 1 luật sửa 7 luật có nhiều nội dung quan trọng, mang tính chuyên môn sâu, đại biểu đề nghị cần rà soát tổng thể, kỹ lưỡng, xem xét những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách để sửa đổi, bổ sung, đảm bảo việc trình Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp được chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong tổng thể dự án 1 luật sửa 7 luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, liên quan tới phạm vi sửa đổi của luật còn nhiều nội dung cấp thiết cũng chưa được đề cập. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng bởi mục tiêu đặt ra là để giải quyết những vấn đề cấp bách; sửa đổi có trọng tâm, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt  hiện nay.

Ngoài ra, liên quan tới nội dung quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, đề nghị cần quan tâm đến nội dung xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách nhà nước và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bởi đây là những nội dung hiện đang có nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn. Theo đại biểu, nếu không đặt vấn đề sửa đổi nội dung nêu trên sẽ là rào cản lớn trong việc quản lý, sử dụng, đưa các sản phẩm là kết quả nhiệm vụ khoa học vào thị trường và làm giảm khả năng phát huy hiệu quả của các trình nghiên cứu khoa học./.

Lê Anh

Các bài viết khác