Phân định rõ trách nhiệm và cần có công cụ để quản lý địa chất khoáng sản

06/11/2024

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản, các ĐBQH, chuyên gia cho rằng, chỉ quy định phương án quản lý về địa chất khoáng sản trong dự thảo Luật là một hợp phần của quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, phải phân định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương và cần có công cụ tài chính phù hợp để quản lý giá trị khoáng sản và quản lý đấu giá khoáng sản…

Đóng góp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Nghiên cứu giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản. Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật này thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH, giới luật sư là vấn đề quy hoạch, phương án quản lý về địa chất và khoáng sản.

 Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh 

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, trong Phiên thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, khoản 2, Điều 12 dự thảo Luật quy định phương án quản lý về địa chất khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, hay nói cách khác phương án quản lý về địa chất khoáng sản là một hợp phần của quy hoạch tỉnh. Như vậy, quy hoạch làm căn cứ cho việc điều tra khai thác khoáng sản phải phù hợp, ở đây là quy hoạch khoáng sản và quy hoạch tỉnh chứ không phải là phương án quản lý về địa chất khoáng sản. Quy định như dự thảo Luật đang coi phương án này như một quy hoạch để quy định việc lập, phân công cơ quan lập và điều chỉnh cục bộ phương án quản lý về địa chất khoáng sản như đối với một quy hoạch, trong khi đã có quy hoạch tỉnh là 1 quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch.

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, quy định phương án quản lý về địa chất khoáng sản như một quy hoạch có trong dự thảo Luật sẽ không thống nhất với nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Quốc hội chỉ quy định phương án quản lý về địa chất khoáng sản trong dự thảo Luật là một hợp phần của quy hoạch tỉnh, như lập các quy hoạch ngành trong tỉnh trước đây để tính hợp vào quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, cần quy định việc hướng dẫn lập phương án quản lý về địa chất khoáng sản như Điều 14, còn trách nhiệm lập phương án về địa chất khoáng sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh là trách nhiệm của UBND tỉnh. Điều chỉnh cục bộ phương án quản lý về địa chất khoáng sản nên chuyển thành quy định điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỉnh theo quy trình rút gọn, chứ không phải quy định điều chỉnh phương án như dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đề cập về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản có tác động đến công tác quản lý, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, trong dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản lập quy hoạch khoáng sản. Tuy nhiên, nếu giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các Bộ, ngành trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch và phải sửa đổi một số nội dung, quy định của Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, việc giao cho một Bộ quản lý, trong khi đó cơ quan lập, quản lý quy hoạch đồng thời là cơ quan cấp phép có thể sẽ không đảm bảo tính khách quan trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Phương án hai, dự kiến giao cho Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng chủ trì lập quy hoạch khoáng sản. Tuy nhiên, việc thực hiện phương án này sẽ dẫn đến phải điều chỉnh một số nội dung trong Luật Quy hoạch, đồng thời không đảm bảo tinh thần theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện.

Qua phân tích cho thấy, mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm riêng. Chính vì vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Hương thống nhất đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ phân công cơ quan, tổ chức lập quy hoạch và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản, quy định việc lập phương án quản lý về địa chất và khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần có sự phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo chặt chẽ, rút kinh nghiệm, tránh dẫn đến việc kéo dài thời gian lập quy hoạch và ảnh hưởng đến chất lượng của quy hoạch như thời gian vừa qua.

Luật sư Lê Thanh Sơn - Giám đốc Văn phòng Luật sư AIC Lawyers & Consultants (ngồi giữa, hàng đầu tiên)

Nêu quan điểm về quản lý khoáng sản thông qua đấu giá, luật sư Lê Thanh Sơn - Giám đốc Văn phòng Luật sư AIC Lawyers & Consultants khẳng định: Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc loại tài sản quan trọng cấp quốc gia nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả.

Công tác quản lý, khai thác và đấu giá quyền khai thác khoáng sản từng được đánh giá là nội dung đột phá khi lần đầu được đưa vào Luật Khoáng sản 2010. Đồng thời, Luật quy định chỉ một số trường hợp đặc biệt mới không phải đấu giá. Tuy nhiên, theo dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra những con số đáng thất vọng. Theo đó, đến tháng 6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới tổ chức đấu giá thành công 6 khu vực khoáng sản, chiếm tỷ lệ 1,4% trong tổng số 421 giấy phép đã cấp. Như vậy, ở cấp Bộ, có đến hơn 98% giấy phép được cấp theo cơ chế “xin – cho”. Còn ở địa phương, con số cũng không cao hơn là bao. Chỉ hơn 9% trong tổng số gần 4.280 giấy phép là được cấp theo hình thức đấu giá. Như vậy, 91% giấy phép cũng đang cấp theo cơ chế “xin – cho”.

Luật sư Lê Thanh Sơn cho rằng, việc cấp phép theo cơ chế “xin-cho” cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản chưa thực sự hiệu quả, từ quy trình đầu tiên là khoanh vùng khu vực, cho đến đấu giá cấp quyền khai thác và sau đó là quản lý sau khi cấp phép còn tồn tại nhiều vấn đề. Từ khi phân cấp quản lý về cho các địa phương và cho phép địa phương được quyền quyết định các khu vực không đưa ra đấu giá khai thác khoáng sản, việc cấp phép khai thác ở một số nơi diễn ra tràn lan và tùy tiện.

Ngoài ra, theo luật sư Lê Thanh Sơn, việc quản lý trữ lượng, khối lượng khai thác khoáng sản hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc dựa trên kê khai của doanh nghiệp được cấp phép, nhà nước chưa có biện pháp quản lý tốt khâu xác định trữ lượng, khối lượng khai thác được. Thêm vào đó, Luật Khoáng sản cũng chưa quy định rõ ràng về định giá khoáng sản, định giá mỏ, chưa có công cụ tài chính phù hợp để quản lý giá trị khoáng sản nói chung và quản lý đấu giá khoáng sản nói riêng. Vì thế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về nội dung này trong việc sửa đổi Luật Địa chất và khoáng sản./.

Bích Lan

Các bài viết khác