Cần giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời gian tới

30/10/2024

Thảo luận tại phiên họp tổ về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất đối với thị trường lao động vẫn là vấn đề nguồn nhân lực và sự thiếu hụt kỹ năng, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và dịch vụ hiện đại hay nông nghiệp. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần phải quan tâm nhiều hơn nữa, có các giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng lao động để Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu hội nhập trong thời gian sắp tới.

Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ cao

Quan tâm đến những chỉ tiêu ấn tượng mà đất nước ta đã đạt được trong lĩnh vực xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu rõ, trong giải quyết việc làm cho người lao động, Báo cáo của Chính phủ đã cho thấy: lĩnh vực lao động, việc làm đã có chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, thể hiện qua những con số tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,1%, đã tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm cũng tăng và tính chung trong 9 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã tăng đến mốc 52,5 triệu người, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người so với năm trước.

Đại biểu cho rằng, sau khi dịch Covid-19 qua đi, tình trạng thiếu việc làm của người lao động, nhất là lực lượng lao động trẻ rất nghiêm trọng. Cho đến năm 2024, vấn đề này đã được giải quyết, đây là những nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, các địa phương. Đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong 9 tháng chỉ có 2,38%, giảm 0,17 % so với cùng kỳ năm ngoái. Những chính sách như hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh với tinh thần dám nghĩ, dám làm và những chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam cũng tăng bốn bậc so với năm 2022, đây là những con số rất ấn tượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế trong lĩnh vực này như tình trạng thất nghiệp tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tình trạng thiếu việc làm trong thanh niên, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, trong các ngành công nghệ cao, công tác đào tạo cũng chưa theo kịp yêu cầu mới về việc sử dụng lao động và nhu cầu phát triển. Một trong những nguy cơ hiện hữu hiện nay là việc ngày càng ứng dụng rộng rãi hơn công nghệ số vào hoạt động của các doanh nghiệp và sự thay đổi nhanh chóng về quy trình làm việc, chuỗi giá trị, quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ tác động rất to lớn. Điều này không chỉ đe dọa đến việc làm của lực lượng lao động phổ thông, mà cũng tạo nhiều nguy cơ đối với lực lượng lao động có tay nghề.

Đại biểu cho rằng, vấn đề việc làm, nhất là việc làm cho người trẻ, cho lực lượng thanh niên cũng đang tiếp tục đặt ra những thách thức trong thời gian tới. Đại biểu nhất trí với các giải pháp Chính phủ đã đề ra về việc thực hiện tốt chính sách thanh niên và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho rằng khi đưa ra chỉ tiêu về tăng năng suất lao động thì chúng ta cần phải đánh giá một cách tổng thể sự phát triển, sự ứng dụng khoa học công nghệ và so sánh với tốc độ trung bình của các nước trong khu vực, cần chi tiết, cụ thể cho từng ngành. Năm nay, nếu đạt được chỉ tiêu đề ra thì chúng ta cần phải cân nhắc và đưa một chỉ tiêu mạnh mẽ hơn, thay đổi tốt hơn vào năm sau để có những giải pháp trong điều hành cũng như những ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, huy động nguồn lực, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin… Đại biểu cho rằng, chỉ tiêu năng suất lao động hiện nay chúng ta đánh giá cũng chưa rõ, do đó cần phải đưa ra một kế hoạch tăng năng suất tốt hơn để có những giải pháp và những những điều hành mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Tham gia thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, cũng như tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Đại biểu phân tích, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế truyền thống, có các chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu phát triển và áp dụng giải pháp công nghệ mới, nhằm cải tiến tổ chức sản xuất và kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là một phần tất yếu không thể thiếu trong phát triển kinh tế, nhưng đa phần doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là các tổ chức, doanh nghiệp trẻ, do đó còn thiếu kinh nghiệm, năng lực tổ chức và kỹ năng quản lý, điều hành kinh doanh, chưa gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, yếu tố đáp ứng nhu cầu kết hợp giữa kỹ năng quản lý kinh doanh với kỹ năng quản lý, sứ mệnh xã hội của doanh nghiệp còn yếu, nên chưa thể tạo tác động phát triển bền vững. Do đó, đại biểu đề nghị có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp nâng cao năng lực trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế.

Giảm tỷ lệ lao động phi chính thức

Nghiên cứu báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp tổ, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn và số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động hiện nay chiếm gần 2%, đặc biệt là tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3% và đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là ở những người trẻ tuổi, độ tuổi từ 15 - 34 tuổi chiếm 48%. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất cần phải quan tâm, tập trung khắc phục.

Do đó, đại biểu đề nghị trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành cũng như các địa phương đẩy mạnh một số biện pháp để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia cũng như đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm, ổn định cho người lao động, gắn với đẩy nhanh các chính sách, các giải pháp hỗ trợ cho người lao động như đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề cho người lao động.

Đại biểu Tống Văn Băng – Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng phát biểu

Cũng quan tâm về lĩnh vực lao động, việc làm, đại biểu Tống Văn Băng – Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng chỉ ra thực tế, trong những năm gần đây, số lượng lao động phi chính thức của chúng ta gia tăng. Trước kia, lao động phi chính thức chuyển dần về lao động chính thức, tạo ra an sinh xã hội, kiến tạo sự phát triển bền vững hơn. Giai đoạn gần đây, lực lượng lao động phi chính thức tăng lên dẫn tới việc ổn định xã hội, phát triển chung và cách tạo ra các năng suất chung của xã hội chưa đảm bảo. Theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hàng năm tăng dần theo từng năm. Điều này dẫn tới mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt khu vực chính thức bị giảm rất nhiều.

Nhấn mạnh về vấn đề tăng năng suất lao động, đại biểu cho biết, trong chỉ tiêu tăng năng suất lao động, thực tế lực lượng lao động đã qua đào tạo, có chứng chỉ cũng tăng hàng năm nhưng chỉ đạt được giới hạn rất nhỏ, khoảng 28% là có bằng bằng cấp và chứng chỉ trong tổng số 70% lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, chúng ta có đến 37,8% người lao động chưa qua đào tạo, dẫn đến việc khó cạnh tranh, ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động, an sinh xã hội, tiền lương. Do đó, đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm đến nội dung tăng cường đào tạo cho người lao động, kể cả đào tạo lại.

 Đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Như Hiệp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ, trong Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã ghi nhận đạt được 14/15 chỉ tiêu, trong đó có một chỉ tiêu xấp xỉ đó là về năng suất lao động. Đại biểu cho rằng, năng suất lao động liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị và cuối cùng là tổ chức thực hiện. Muốn nâng cao được năng suất lao động thì phải phụ thuộc vào các cái yếu tố này. Đại biểu nhấn mạnh, các trường nghề chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu lao động, chúng ta phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực dựa trên cơ sở về đào tạo, thực hành. Đồng thời việc đào tạo nghề cũng cần tránh tình trạng cử nhân hóa tất cả lực lượng lao động, vì cử nhân đào tạo hàn lâm nên sẽ thiên về lý thuyết và phải đào tạo lâu hơn, trong khi phát triển sản xuất lại cần tay nghề thực tế, lành nghề.

Hồ Hương