Phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công
Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Bên cạnh kết quả đạt được, trong các phiên thảo luận Tổ, nhiều Quốc hội đã chỉ ra bất cập, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công đã kéo dài trong nhiều năm.
Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Thống kế cho thấy, có 13 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung cả nước; tuy nhiên, vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Phân tích nguyên nhân tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên khẳng định, một trong những vướng mắc khá phổ biến là các công trình công nghiệp hiện nay đang thiếu đất, thiếu vật liệu san lấp. Do vậy, đại biểu cho rằng đối với các công trình trọng điểm cần nghiên cứu các giải pháp điều chỉnh quy hoạch để nâng công suất khai thác, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu dự án.
Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, có một số quy định cụ thể liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuyển đổi diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên… khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Bởi, để hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian, thậm chí có những quy định bất hợp lý.
Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm và thấp diễn ra nhiều năm nay, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, có nhiều vấn đề bất cập liên quan đến giải ngân đầu tư công, nhiều hạng mục công trình phải chuyển hạng mục, chuyển đổi nguồn vốn và xin kéo dài thời hạn; trong khi đó những địa phương cần nguồn vốn lại không được bố trí. Vì vậy, cần đánh giá lại thể chế, các quy định, trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ dự án, trách nhiệm quản lý của chính quyền các địa phương trong việc tiếp nhận vốn đầu tư công để triển khai giải ngân đúng tiến độ, tránh tình trạng kéo dài thời gian và số chuyển nguồn lớn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Nêu một số nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra tại địa phương, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự án nâng cấp đoạn km 18 Km 80, quốc lộ 4b kết nối liên vùng từ Lạng Sơn đi Quảng Ninh, sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm, thực hiện khối lượng rất lớn (hơn 62 km), nhưng chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư vẫn phải thực hiện theo các trình tự, thủ tục theo quy định nên mất nhiều thời gian; có một số thủ tục thuộc thẩm quyền của Trung ương; chưa kể một số yếu tố khách quan như thời tiết, bão lũ cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia, mặc dù tiến độ giải ngân năm 2024 đã tốt hơn so với năm 2023 nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái lấy ví dụ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt khoảng 48% kế hoạch đối với vốn đầu tư, khoảng 23% kế hoạch đối với vốn sự nghiệp. Có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn chậm, như mức hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở còn thấp, hỗ trợ dự án phát triển sản xuất nông nghiệp gặp khó do nhiều doanh nghiệp không đủ tiêu chí để được hỗ trợ…
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Để đảm bảo mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024, một số đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cái bộ, ngành, địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn, trong đó điểm nghẽn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Một số ý kiến nhận định, cùng một hệ thống pháp luật, nhưng thực tế kết quả triển khai giải ngân vốn đầu tư công ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là khác nhau, do vậy Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng này.
Cùng với đó, Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; có chế tài cụ thể và xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đặc biệt người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết; ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách trung ương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế; các địa phương chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án thuộc phạm vi tỉnh. Đồng thời, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn.