Hà Nội: Nhiều chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội hoàn thành và hoàn thành vượt mức

23/10/2024

Sáng 22/10, Đoàn giám sát của HĐND Thành phố do đồng chí Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố làm Trưởng đoàn đã làm việc với các Sở: Văn hóa Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Khai mạc Kỳ họp thứ mười tám, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, khóa XVI

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt

Theo báo cáo tổng hợp của đoàn giám sát, các sở thuộc khối văn hóa xã hội đã triển khai thực hiện nhiều chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của HĐND Thành phố. Đến nay, tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: Năm 2023 đạt 73,5% (KH 75%); Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn, Làng văn hóa: Năm 2023 đạt 64% (KH 65%); Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: Năm 2023 đạt 88% (KH 85-88%).

Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 73,9% (năm 2021 là 76,9% - tiêu chí cũ; KH đến hết năm 2025 là 80-85%).

Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội báo cáo với đoàn giám sát.

Các chỉ tiêu về y tế: số giường bệnh/vạn dân đạt 36,44 (KH cuối năm 2025 là 30-35); số bác sỹ/vạn dân đạt 16,2 bác sỹ (KH cuối năm 2025 là 15); Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn mới) đạt 84,3% (KH năm 2025 là 100%).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 70,25% năm 2021 lên 73,2% năm 2023 (mục tiêu cuối 2025 là 75-80%), trong đó, lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 52,5% lên 51,2% (mục tiêu cuối 2025 là 55-60%). Tỷ lệ thất nghiệp thành thị đầu nhiệm kỳ là 3,22%, năm 2023 giảm xuống 2,97% (mục tiêu cuối 2025 ở mức <3%).

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo với đoàn giám sát.

Về tỷ lệ hộ nghèo, theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, đầu năm 2022 có 3.612 hộ nghèo (tỷ lệ 0,16%); đầu năm năm 2023 còn 2.134 hộ nghèo (tỷ lệ 0,095%, đến nay còn 690 hộ nghèo (tỷ lệ 0,031%), mục tiêu cuối 2025 là 0%).

Đối với nhiệm vụ cụ thể của các sở, còn một số nội dung hạn chế như: Tỉ lệ thất nghiệp tuy có giảm nhưng chất lượng lao động, đặc biệt là lao động nông thôn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới dẫn đến dân số cơ học tăng quá nhanh ở một số phường trong các quận như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông, Long Biên... dẫn tới tình trạng quá tải tại một số trường, lớp học trên địa bàn một số phường, quận, huyện.

Trong lĩnh vực y tế, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến trên chưa được khắc phục hiệu quả; còn tình trạng thiếu thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế công lập khi khám, chữa bệnh BHYT, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng và sức khỏe của người dân.

Xây dựng chỉ tiêu sát thực tiễn, khả thi cho nhiệm kỳ sau

Trao đổi tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá, giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực văn hóa xã hội của Thành phố được đặc biệt quan tâm, thể hiện trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố, các chương trình công tác của Thành ủy, các chủ trương, nghị quyết của HĐND Thành phố, UBND Thành phố… qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cử tri Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thành viên đoàn giám sát cũng nêu nhiều ý kiến trong việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế-xã hội theo nghị quyết của HĐND Thành phố, trong đó đại biểu quan tâm đến các chỉ tiêu như số giường bệnh; xã hội hoá trong cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục; chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, chính sách cho người có công; mô hình giáo dục chất lượng cao, trường liên cấp, trường chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện; phân cấp đầu tư trang thiết bị cho giáo dục; việc xây dựng trường học ở các khu đô thị mới; tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố văn hoá;… Đặc biệt, đại biểu quan tâm đến các dự án đầu tư công, xã hội hoá lĩnh vực văn hoá-xã hội như công viên Kim Quy, tổ hợp trường đua ngựa, Dự án Khu trưng bày Hoàng cung Thăng Long và Dự án phục dựng Điện Kính Thiên,… khi đã có chỉ tiêu, đã đưa vào kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm nhưng hiện nay tiến độ và việc thực hiện như thế nào, nếu đã có điều chỉnh thì phải cập nhật để chỉ tiêu để đánh giá chính xác về kết quả thực hiện chỉ tiêu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cho rằng, các chỉ tiêu đặt ra phải được đánh giá một cách thực chất, từ đó đo lường được giải pháp đưa ra hàng năm có chuyển biến, đạt kết quả, có chuyển biến trong xã hội như thế nào, phải đánh giá được thực chất, chứng minh được hiệu quả khi thực hiện. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành tiếp thu toàn bộ ý kiến đoàn giám sát nêu, rà soát lại toàn bộ khi quy định có thay đổi để tham mưu, báo cáo UBND Thành phố cập nhật hoặc sửa đổi quy định cho phù hợp thực tế.

Phát biểu tổng hợp buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên đánh giá, buổi giám sát rất hiệu quả, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, nhiều ý kiến thành viên đoàn giám sát nêu vấn đề chất lượng, sát nhiệm vụ. Kết quả đến thời điểm này cho thấy các sở thuộc khối văn hóa - xã hội đã rất chủ động, nghiêm túc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND Thành phố về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, qua buổi làm việc cũng cho thấy, các chỉ tiêu dù cơ bản đã đạt và một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, nhưng cần đánh giá thực chất hơn, từ đó có những đề xuất để xây dựng chỉ tiêu của nhiệm kỳ sau sát thực tiễn, khả thi. Đồng chí Phạm Quí Tiên yêu cầu các sở cần phân loại rõ những chỉ tiêu nào cần tiếp tục ở giai đoạn sau, chỉ tiêu nào cần đưa vào hay chỉ tiêu nào cần tập trung hơn, từ đó tham mưu Thành phố trong xây dựng kế hoạch 5 năm giai đoạn tới.

Song Anh

Các bài viết khác