Cần có thêm đánh giá về việc thành lập, mở rộng và công nhận khu công nghệ số

15/10/2024

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần có thêm đánh giá về sự cần thiết của việc thành lập, mở rộng và công nhận khu công nghệ số cũng như làm rõ các quy định, điều kiện, tiêu chí liên quan…

Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số với hệ thống pháp luật

Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi có sự cố về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội cho ý kiến, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Một trong những điểm mới của dự án Luật đang nhận được sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 38 là việc thành lập, mở rộng và công nhận khu công nghệ số. Theo đó, trong dự án Luật đã dành cả Chương II để đề cập về mục tiêu, chính sách, chế độ ưu đãi với doanh nghiệp, thu hút nhân tài... để phát triển khu công nghệ số. Tuy nhiên, theo nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật cần có thêm đánh giá về sự cần thiết của việc thành lập, mở rộng và công nhận khu công nghệ số cũng như làm rõ các quy định, điều kiện, tiêu chí liên quan.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đề cập về khu công nghệ số quy định ở mục 10 Chương II dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá thêm sự cần thiết, tính toán cho chặt chẽ khi thành lập các khu công nghệ số, đặc biệt là các khu công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung đang được triển khai và hoạt động tốt.

Tại khoản 1 Điều 32 của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số có quy định về điều kiện thành lập, mở rộng khu công nghệ số, gồm phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển công nghệ số, công nghiệp công nghệ số; phù hợp với quy hoạch và phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông; quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh có quy mô diện tích thích hợp, điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp công nghệ số. Việc thành lập, mở rộng khu công nghệ số bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời đảm bảo việc sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, đúng mục tiêu, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; các điều kiện khác phù hợp với thực tiễn phát triển và yêu cầu quản lý.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, quy định như trên vẫn còn chung chung, sự phù hợp, thích hợp chưa rõ ràng và nên  có tiêu chí, định mức cụ thể để đánh giá, xác định. Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm để có quy định về điều kiện, tiêu chí tương đối rõ ràng, thuận lợi trong việc áp dụng, xem xét hồ sơ để thành lập khu công nghệ số khi Luật Công nghiệp công nghệ số có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Đồng thuận với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm: Việc chuyển khu công nghệ thông tin tập trung trong dự án Luật Công nghệ thông tin và một số luật hiện hành được thay thế bằng khu công nghệ số cần được làm rõ về sự cần thiết thay đổi. Việc thay đổi này có làm thay đổi về nội hàm, bản chất các tiêu chí của các khu này không. Nếu như không có sự thay đổi thì việc chuyển từ khu công nghệ thông tin tập trung sang khu công nghệ số có làm tốn kém và phát sinh những vấn đề về hành chính hay không?

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, khu công nghệ số trong dự án Luật hàm chứa nhiều nội dung, có những tiêu chí mới, bổ sung những nội dung mới của khu công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, việc diễn đạt và thiết kế không rõ cho nên cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, quan tâm thêm.

Ngoài ra, tại điều khoản chuyển tiếp ở Điều 72, hiện nay trong dự án Luật mới đề cập đến chuyển tiếp khu công nghệ thông tin tập trung thành khu công nghệ số, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các cơ chế, chính sách viện dẫn từ các luật khác sang dự án Luật Công nghiệp công nghệ số có cần những điều khoản chuyển tiếp nữa không hay chỉ có mỗi điều khoản chuyển tiếp ở nội dung này.

Phát triển công nghệ số phù hợp với điều kiện của Việt Nam

Đóng góp ý kiến về việc thành lập, mở rộng và công nhận khu công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo pháp luật về đầu tư đã có quy định rất chặt chẽ về điều kiện để chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong dự án Luật Công nghiệp công nghệ số còn có thêm một quy định là phù hợp với thực tiễn phát triển và yêu cầu quản lý. Yêu cầu thêm này khá định tính, như thế trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện khó cả cho đối tượng doanh nghiệp, người dân và cả cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện theo tiêu chí này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cân nhắc quy định như thế nào, nếu bổ sung vào thì quy định cụ thể tiêu chí để dễ dàng trong thực hiện, nếu không cứ theo pháp luật về đầu tư là cũng có thể đáp ứng được điều kiện này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp công nghệ số, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tại khoản 11 Điều 34 quy định được hỗ trợ về các thủ tục hành chính thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng không rõ thuận lợi là như thế nào và không giao cho Chính phủ quy định chi tiết nên Ban soạn thảo cần phải cụ thể, rõ ràng hơn trong dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, một lĩnh vực rất cần khuyến khích đầu tư thì phải có các cơ chế hỗ trợ đầu tư đột phá đặc biệt, nhưng trong pháp luật đầu tư không có quy định này. Do vậy, Ban soạn thảo cần quy định ngay trong Luật Công nghiệp công nghệ số những ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và đặc biệt quan tâm đến thủ tục hành chính. Bởi vì các doanh nghiệp rất cần môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, các thủ tục hành chính, quy trình, thủ tục phải đơn giản, thuận lợi, có sự hỗ trợ của các cơ quan, chính quyền địa phương để giải quyết các thủ tục trong đầu tư sản xuất, kinh doanh cho họ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải 

Kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về công nghiệp công nghệ số, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần hình thành phát triển phương thức sản xuất số, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước với công dân, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết lập, tích hợp sản xuất và làm chủ công nghệ lõi, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội số. Bổ sung, chỉnh lý các quy định để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung quy mô lớn, hình thành vùng động lực công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử và sản phẩm Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý Chính phủ bám sát quan điểm đổi mới về xây dựng pháp luật và không quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, không ban hành những vấn đề chưa rõ và chưa được thực tiễn kiểm định, tập trung để đảm bảo tính ổn định của Luật và thể hiện các nội dung cần thiết để phát triển công nghệ số phù hợp với điều kiện của Việt Nam./.

Bích Lan

Các bài viết khác