XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT VỀ LĨNH VỰC DÂN TỘC: CẦN BÁM SÁT CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

01/08/2024

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn chú trọng, đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng trong xây dựng chính sách dân tộc và thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, hiện vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở nước ta vẫn còn một số hạn chế, nảy sinh những nội dung mới cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết kịp thời, hiệu quả hơn. Vì vậy, các đại biểu và chuyên gia cho rằng, cần thiết phải ban hành một đạo luật về lĩnh vực dân tộc, đồng thời đề xuất một số nội dung cơ bản cần được quy định trong dự án Luật này. Trong đó cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, công tác dân tộc.

HỘI THẢO KHOA HỌC “THỂ CHẾ HÓA QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ HIẾN PHÁP 2013 VỀ LĨNH VỰC DÂN TỘC”

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT VỀ LĨNH VỰC DÂN TỘC

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định việc giải quyết vấn đề dân tộc, xây dựng chính sách dân tộc và thực hiện đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản có tính chất bao trùm, xuyên suốt và nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về dân tộc của Nhà nước ta.

Các bản Hiến pháp của nước ta từ năm 1946 đến nay đều khẳng định Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, các dân tộc bình đẳng. Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi nhận: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số (DTTS) phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Các ý kiến nhận thấy, trên phương diện xây dựng pháp luật, sự quan tâm, hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của Đảng, Nhà nước ta mới chủ yếu thể hiện ở các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, mang tính chất tản mạn, ngắn hạn, hiệu lực pháp lý không cao; thiếu tính đồng bộ, thống nhất, nhiều khi chưa phù hợp, kịp thời... nên hiệu quả chưa cao, chưa thực sự phát huy vai trò điều chỉnh các lĩnh vực, quan hệ xã hội ở vùng DTTS&MN. Điều quan trọng hơn, quá trình xây dựng các chính sách, pháp luật nói chung, chính sách, pháp luật liên quan đến vùng DTTS&MN chưa thực sự chú trọng gắn với các tiêu chí bảo đảm phát triển bền vững vùng DTTS&MN. Trong khi đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong những năm gần đây đều nhấn mạnh tới phát triển bền vững như một mục tiêu phát triển của đất nước.

Trong số nhiều văn bản quy phạm pháp luật về DTTS thì Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản điều chỉnh toàn diện nhất về công tác dân tộc. Tuy nhiên, qua hơn hơn 10 năm áp dụng, Nghị định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, song vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các chính sách mới liên quan đến vùng đồng bào DTTS.

Việc xây dựng, ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc là cần thiết

Do đó, ý kiến của nhiều đại biểu và chuyên gia khẳng định sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc với cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn. Đồng thời trước đòi hỏi của thực tiễn trong tình hình mới, các ý kiến đề xuất định hướng xây dựng các chính sách trọng tâm, tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật về lĩnh vực dân tộc và mối quan hệ của dự án Luật này với các luật khác đang quy định về chính sách dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định, kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, Đảng ta luôn chú trọng, đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết dân tộc; khẳng định sự bình đẳng giữa các dân tộc, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hệ thống các quan điểm, đường lối về vấn đề dân tộc của Đảng là mục tiêu, căn cứ, cơ sở chính trị để Nhà nước thể chế hóa thành các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đảng ta luôn luôn quan tâm đến chính sách dân tộc và khẳng định đây là một trong bốn bài học mang lại thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chính sách dân tộc được thể hiện trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng. Điều này được thể chế hóa tại Điều 5 của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta phát huy hiệu quả to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay thì cần thể chế hóa Điều 5 của Hiến pháp năm 2013 bằng việc xây dựng, ban hành một đạo luật chuyên ngành về dân tộc”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nhận thấy, nội dung về chính sách dân tộc quy định tại Điều 5 của Hiến pháp năm 2013 chỉ đề cập những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, cơ bản, do đó cần phải được cụ thể hóa ở một đạo luật khung có tính chất nền tảng tích hợp các quy định liên quan đến vấn đề dân tộc ở những đạo luật khác có liên quan (như đạo luật về dân tộc) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mặt khác, trong nhóm các đối tượng yếu thế trong xã hội ở nước ta đều có các đạo luật chuyên ngành để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, cụ thể: i) Đối với phụ nữ có Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Cấm mua bán phụ nữ và trẻ em; ii) Đối với trẻ em có Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; iii) Đối với người cao tuổi có Luật về người cao tuổi; iv) Đối với người tàn tật có Luật về người tàn tật…

Trong khi đó, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số lại chưa có một đạo luật chuyên ngành để điều chỉnh. Các quy định về chính sách dân tộc được ban hành ở những đạo luật, những văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn dưới dạng Quyết định, Nghị định của Chính phủ hoặc Quyết định, Thông tư của các Bộ, ngành… Điều này dễ dẫn đến sự mâu thuẫn, chồng chéo; thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về công tác dân tộc. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, việc xây dựng và ban hành một đạo luật về lĩnh vực dân tộc là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Những nội dung cần thể hiện trong Luật về lĩnh vực dân tộc

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành các đạo luật điều chỉnh các nội dung liên quan đến dân tộc thiểu số ở các quốc gia, TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận thấy, với quan điểm, đường lối rõ ràng, nhất quán, tiến bộ về chính sách dân tộc, việc hình thành hệ thống khuôn khổ pháp lý, trong đó có Luật Dân tộc, để thực hiện các mục tiêu cách mạng là cần thiết.

TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, từ việc triển khai xây dựng dự án Luật Dân tộc với 18 bản dự thảo trình xin ý kiến trong quá trình chuẩn bị soạn thảo 15 năm vừa qua nhưng chưa thành công, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, đặc biệt cần phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Trong đó, phân tích, xác định được những điểm mấu chốt trong cách tiếp cận, xác định nội hàm của luật, đối tượng, phạm vi điều chỉnh. Đồng thời cần xác định những nội dung cơ bản cần thể hiện đối với dự án Luật vừa bảo đảm hài hòa trong hệ thống pháp luật chung, vừa thể hiện được những điểm riêng cần có đối với vấn đề dân tộc một cách rõ ràng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, nội dung của dự thảo Luật cần thể hiện được các nhóm nội dung như: (1) Giải thích từ ngữ (chính sách dân tộc, công tác dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc, vùng dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dân tộc thiểu số, dân tộc ít người…); nguyên tắc, đường lối chung về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, xác định thành phần dân tộc, các hành vi bị nghiêm cấm; (2) Các điều luật quy định cụ thể hóa nhằm bảo đảm thực hiện được quyền bình đẳng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm cả lĩnh vực tư pháp; (3) Các điều luật quy định về chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số và cơ chế bảo đảm thực hiện; (4) Các điều luật quy đinh về quản lý nhà nước về công tác dân tộc (gồm quản lý; tổ chức bộ máy; tổ chức kiểm tra, giám sát; phân công nhiệm vụ, tổ chức đại hội đại biểu DTTS)…

Quan tâm đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, có 2 nội dung chính cần thể hiện trong Luật về lĩnh vực dân tộc gồm: Những nội dung luật hóa từ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; những nội dung kế thừa và phát triển từ luật tục và các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Theo đó, những nội dung luật hóa từ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc như về đầu tư và sử dụng nguồn lực, đầu tư phát triển bền vững; về phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về cán bộ người vùng dân tộc thiểu số; đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; về phát triển du lịch, y tế, thông tin - truyền thông vùng dân tộc thiểu số; về phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; về bảo vệ môi trường, sinh thái; về quốc phòng, an ninh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý nhà nước về công tác dân tộc…

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu - Học viện Hành chính Quốc gia

Đối với những nội dung kế thừa và phát triển từ luật tục và các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cần thể hiện trong dự án Luật, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho rằng, cần kế thừa luật tục về hôn nhân và gia đình của dân tộc thiểu số; kế thừa và hoàn thiện pháp luật về bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc; kế thừa luật tục bảo vệ rừng của cộng đồng người dân tộc thiểu số; kế thừa và hoàn thiện pháp luật về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Hiện nay nội dung Luật về lĩnh vực dân tộc xoay quanh các nhóm chính sách dân tộc đã được quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc. PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho rằng, đây là văn bản pháp lý cao nhất hiện hành quy định về công tác dân tộc, trong đó quy định 13 nhóm chính sách dân tộc và việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Tuy nhiên, “đây vẫn là văn bản dưới luật nên chưa đủ hiệu lực pháp lý để định hướng chính sách, làm căn cứ cho các luật chuyên ngành điều chỉnh cho phù hợp, dẫn đến các chính sách dân tộc hiện nay chưa có sự kết nối, thống nhất, đồng bộ chưa cao. Nghị định này cũng chưa quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc, dẫn đến việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách còn hạn chế”, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu phân tích.

Chính sách về vùng DTTS đã và đang được thực hiện, nhưng thực tế đang có nhiều lỗ hổng hoặc chưa bao quát hết những vấn đề đặt ra. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu đề nghị khi xây dựng luật về vùng DTTS cần làm rõ hơn nội hàm của chính sách về vùng DTTS để luật có tính khả thi ngày càng cao hơn. Đồng thời chính sách về vùng DTTS khi xây dựng cần có cái nhìn bao quát rộng hơn dựa trên các quan điểm như cần có kết quả về việc khảo sát thực trạng tỉ lệ nghèo đói, trình độ phát triển, phong tục tập quán, truyền thống, bản sắc văn hóa... ở một số vùng nhất định để làm căn cứ đưa ra quan điểm định hướng chính sách. Ngoài ra, chính sách về vùng DTTS phải toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Tập trung phát triển mạnh kinh tế, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.

TS. Nguyễn Thị Tám - Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Qua những thành tựu, tồn tại, hạn chế trong thể chế Hiến pháp năm 2013 liên quan đến chính sách dân tộc, TS. Nguyễn Thị Tám - Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đề xuất một số nội dung cần thể chế hóa liên quan đến chính sách dân tộc trong thời gian tới. Theo đó, cần triển khai rà roát, đánh giá hệ thống chính sách dân tộc đang thực hiện trên cả nước, để từ đó loại bớt những chính sách không còn phù hợp, kém hiệu quả, chồng chéo, lẫn lộn với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giảm đầu mối cơ quan thực hiện và quản lý chính sách, để tập trung nguồn lực tiếp tục thực hiện một số chính sách lớn - các chương trình mục tiêu quốc gia đáp ứng được nhiệm vụ cốt lõi là phát triển các tộc người, và tăng cường ý thức quốc gia, phát huy những chiều tích cực trong quan hệ của các tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với đó, cần tập trung xây dựng “Chiến lược phát triển tổng thể các tộc người ở Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nhằm xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất” và “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2: 2025 - 2030”.

TS. Nguyễn Thị Tám nhận thấy, trên cơ sở Chiến lược và Chương trình tổng thể này, các bộ, ban, ngành và địa phương lấy đó làm cơ sở để xây dựng và thực hiện những chính sách dân tộc cụ thể (các đề án, dự án, kế hoạch...) cho giai đoạn 5 năm 2025 - 2030. Do đó, khi chưa xây dựng được Chiến lược và Chương trình tổng thể này thì chưa cần bổ sung thêm chính sách dân tộc mới.

Đặc biệt, trong Chiến lược và Chương trình tổng thể nêu trên, TS. Nguyễn Thị Tám cho rằng, cần có những định hướng chính sách phát triển toàn diện, đồng bộ cho 54 tộc người trên cả nước, đồng thời có các chính sách cụ thể về từng lĩnh vực phù hợp cho từng vùng theo nguyên tắc đảm bảo các DTTS và đa số người tại chỗ và người mới đến, người theo đạo và lương giáo... trong cùng một địa bàn đều được tham gia và hưởng lợi bình đẳng, công bằng về cơ hội phát triển, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng so bì, mâu thuẫn giữa các nhóm người, các tộc người khác nhau trong cùng địa vực./.

Bích Ngọc